Gần đây, một người phụ nữ đến từ Phúc Châu (Trung Quốc) sau bữa ăn nhẹ thì có các triệu chứng đau bụng và tiêu chảy xuất hiện trong bốn ngày liên tiếp, mỗi ngày cô đi đại tiện ra một lượng lớn phân lỏng màu xanh đậm.
Khi được đưa đến bệnh viện, cô đã rối loạn ý thức, bị sốc nặng và sốt cao 40,2 độ C.
Sau thời gian cấp cứu, cuối cùng cô đã qua cơn nguy kịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính và nhiễm trùng huyết do nhiễm khuẩn Salmonella.
Tìm hiểu bệnh sử, được biết, vào ngày trước khi xảy ra sự việc, bệnh nhân mua một quả dưa hấu lớn, đã bổ ra ăn một ít khi mang về nhà, sau đó cất tủ lạnh. Hôm sau mang ra ăn tiếp, ngay sau khi ăn thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nêu trên.
Bác sĩ cho biết dưa hấu đã được bổ ra bảo quản trong tủ lạnh không có nghĩa là nó sẽ không bị hỏng, đặc biệt là sau khi để qua đêm. Trong môi trường lạnh, các vi khuẩn ưa lạnh như Listeria monocytogenes, Yersinia enteratioitica và Salmonella vẫn có thể sinh sôi với số lượng lớn.
Nếu những vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa cùng với thức ăn, chúng có thể gây viêm nhiễm, dẫn đến một loạt triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và sốt. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và các bệnh khác. Các bệnh này thường được gọi là “viêm dạ dày ruột do vi khuẩn”.
Ngoài dưa hấu, 4 thứ này để qua đêm tuyệt đối không ăn lại
Rau lá xanh
Rau sau khi nấu chín, nếu để lâu hoặc bảo quản không đúng cách sẽ dễ sinh ra một lượng lớn nitrit.
Các thí nghiệm đã phát hiện ra rằng sau khi nấu các loại rau lá xanh như cần tây, rau diếp, rau muống và bảo quản chúng ở nhiệt độ bình thường 25 độ C, hàm lượng nitrit đạt mức đáng kinh ngạc là 0,1g/kg hoặc hơn sau 24 giờ. Thông thường, người lớn nuốt phải 0,2g nitrit có thể gây ngộ độc, tình trạng tiến triển nhanh chóng và có thể tử vong trong vòng 2 giờ.
Hải sản
Bản thân tôm, cua và các loại hải sản khác có thể mang nhiều loại vi khuẩn và các phương pháp nấu ăn thông thường khó loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Nếu không ăn kịp thời, vi khuẩn sẽ nhân lên nhanh chóng và có thể sinh ra độc tố, gây khó chịu ở đường tiêu hóa, thậm chí gây tổn hại đến chức năng gan, thận.
Các loại nấm
Nói chung, nấm khô dù trồng trong nhà hay thu hái từ tự nhiên đều có hàm lượng nitrit thấp hơn rau. Tuy nhiên, khi thực phẩm được ngâm ở nhiệt độ phòng quá lâu hoặc để lâu sau khi nấu, nó không chỉ thúc đẩy sự hình thành nitrosamine mà còn có thể tạo ra độc tố axit lên men gạo, có thể gây tử vong trong trường hợp nghiêm trọng.
Trứng lòng đào
Nhiều người thích trứng luộc chín mềm (trứng lòng đào) hơn trứng luộc chín. Tuy nhiên, những quả trứng luộc lòng đào như vậy thường không được khử trùng kỹ lưỡng và có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella. Nếu để lâu, chúng dễ sinh ra vi khuẩn và gây hại cho sức khỏe đường ruột sau khi ăn.
Nguồn và ảnh: QQ, Eat This
Nguồn tin: https://cafef.vn/bi-viem-da-day-ruot-cap-tinh-nhiem-trung-huyet-nguoi-phu-nu-hoang-mang-khi-bac-si-nhac-nho-4-thu-de-qua-dem-tuyet-doi-dung-an-18824081311364579.chn