Tôi năm nay 33 tuổi, vợ 30 tuổi. Chúng tôi kết hôn được mười năm, có 2 con nhỏ, hiện sống và làm việc ở thành phố lớn.
May mắn, nhờ sự ủng hộ của hai bên gia đình nội – ngoại, cộng với tiền tiết kiệm trước khi cưới của hai vợ chồng nên chúng tôi đã mua được nhà ngay khi kết hôn. Ngoài ra, tiết kiệm được khoản dự trữ cho việc cấp bách tầm 400 triệu đồng.
Tôi làm sale, không có lương cứng, thu nhập trung bình khoảng 30- 40 triệu đồng một tháng. Còn vợ tôi làm kế toán cho một công ty bất động sản, lương 8 triệu đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, bất động sản “đứng im” nên công ty của vợ đã nợ lương nhiều tháng. Và có thể trong thời gian tới cô ấy sẽ phải chấp nhận nghỉ việc để đi tìm chỗ làm khác ổn định hơn.
Nhìn chung, vợ tôi là người đảm đang, biết tiết kiệm. Gần như mọi công việc trong nhà đều do một tay cô ấy chu toàn. Hàng tháng, tiền lương của vợ sẽ sử dụng để chi tiêu cho gia đình bao gồm tiền ăn, tiền xăng xe, điện, nước, đóng học cho con…Trong đó, tôi sẽ đóng góp một khoản, số còn lại bỏ vào tiền tiết kiệm chung.
Nhưng 3-4 tháng nay vì vợ không có lương nên kinh tế gia đình đều do một tay tôi lo cả. Kế hoạch chi tiêu hàng tháng của tôi cũng vì thế mà bội chi, tiền tiết kiệm lại cắt giảm xuống. Cũng nói thêm, khoản tiết kiệm này vợ chồng tôi cũng có dự định đầu tư trong tương lai. Do đó, tôi mong cả nhà phải cùng nhau thắt lưng buộc bụng.
Đầu tháng 11, vợ tôi thông báo trường cấp 3 (tôi và vợ học cùng trường) năm nay tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập và bạn bè đang rủ nhau về họp lớp. Tôi trả lời luôn sẽ không về vì chưa thấy cần thiết và điều kiện không cho phép.
Tưởng rằng vợ tôi cũng có chung suy nghĩ, ai ngờ cô ấy lại nói sẽ về thăm trường và lớp của vợ còn may áo đồng phục, chụp ảnh kỷ niệm.
Vì vấn đề này mà chúng tôi tranh luận gay gắt do không cùng quan điểm.
Tôi nói: “Dịp này điều kiện nhà mình chưa sẵn sàng. Nếu lớp kêu gọi đóng quỹ, em có thể đóng góp một chút coi như có tấm lòng vì công việc của em đang khó khăn, lương còn không có. Bây giờ về tốn tiền xe, tiền ăn, may quần áo,…quá trời tiền còn gì”.
Vợ tôi thẳng thắn đáp trả: “Em lâu rồi chưa được đi họp lớp. Kể từ khi kết hôn đến giờ là 10 năm rồi, em toàn lấy lý do bận việc gia đình, bận con nhỏ. Nhưng thực tế là em tiết kiệm tiền cho gia đình này.
Còn bây giờ em đi họp lớp thì em sẽ dùng tiền riêng của mình, anh cứ yên tâm sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu chung cả nhà”.
Theo tôi được biết, vợ sẽ dành khoảng 1,5 triệu cho dịp này. Đây không phải số tiền quá lớn so với điều kiện gia đình tôi nhưng tiêu gần đó tiền cho ăn chơi thì quả thực là phung phí. Tôi khuyên vợ nên để tiền cho thời gian tới khi tìm việc mới. Tuy nhiên vợ tôi vẫn không chịu vì rất muốn về họp lớp.
Tôi không thấy thoải mái vì vợ đã không có lương, tôi đang phải lo cho cả gia đình, vậy mà em còn dùng tiền tiết kiệm của bản thân vào việc họp lớp này. Quan điểm của tôi là vợ phải lo cho bản thân và gia đình trước, nếu có điều kiện mới đi tham dự họp lớp, năm nay chưa có điều kiện, các dịp sau này về tham dự sau. Tôi ủng hộ vợ đi họp lớp nếu em đang có công việc ổn định, có lương đều hàng tháng, còn như lúc này thì không nên. Nhưng vợ vẫn không chịu và đang trong quá trình đắn đo xem có về hay không.
Quan điểm của vợ tôi là: “Em đã chăm sóc gia đình 10 năm, không được họp lớp lần nào. Cứ mỗi lần họp lớp, anh đều nói bao giờ có điều kiện thì hẵng đi. Vậy trước đây em cũng có lương, cũng có công việc thì sao anh không ủng hộ em đi. Họp lớp đâu phải là cái gì đó quá hệ trọng, sao anh cứ phải làm quá mọi thứ lên”.
Tôi nói rằng, kể cả 10 triệu đáng chi thì chi, nhưng một đồng không đáng chi cũng không chi. Việc họp lớp này của vợ, tôi đánh giá là không cần thiết, không nên chi.
Mỗi người sẽ có quan điểm riêng về việc họp lớp. Với tôi, họp lớp chủ yếu khi các bạn có điều kiện về mặt thời gian và cả tài chính. Nếu không có cả hai điều kiện này, không nên dự. Đa phần các cuộc họp lớp chỉ là cuộc vui nhất thời mà thôi chứ đâu có giúp được gì cho mình trong cuộc sống hàng ngày.
Bây giờ vợ chồng tôi bỗng nhiên rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh vì họp lớp. Vậy phải chăng họp lớp đang mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi gia đình và chúng ta nên bài trừ nó?.