Gửi tiền lãi suất cao rồi mất trắng
Một buổi sáng đầu năm 2014, tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nam (Trung Quốc), một người phụ nữ lớn tuổi ngồi bệt giữa sảnh, khóc và lớn tiếng phản ánh việc bị mất 13 triệu NDT (hơn 47 tỷ đồng). Theo lời bà, số tiền này được bà gửi thông qua một nhân viên ngân hàng, nhưng đến hạn rút thì tài khoản không còn bất kỳ khoản nào. Đây là trường hợp thứ tư có dấu hiệu tương tự tại chi nhánh này chỉ trong vòng một tháng.
Người phản ánh là bà Dương, một cư dân địa phương, vừa nhận khoản bồi thường 13 triệu NDT do nhà bị thu hồi giải phóng mặt bằng trong năm 2013.
Bà Dương. Ảnh: Baidu
Sau khi cân nhắc các sản phẩm tài chính, bà nhận thấy mức lãi suất 2-3% tại ngân hàng là không hấp dẫn. Trong một lần đi tập thể dục, bà chia sẻ với một người quen và được giới thiệu cơ hội đầu tư có lãi suất 13%/năm từ người tên Tiểu Vũ, được cho là nhân viên của Ngân hàng Nông nghiệp.
Bà Dương sau đó được sắp xếp gặp ông Ngô – người giới thiệu sản phẩm tài chính được quảng bá là “ưu đãi nội bộ”. Qua trao đổi, ông Ngô khuyến khích bà chuyển tiền sớm để không bỏ lỡ cơ hội, đồng thời đưa ra yêu cầu riêng: tắt thông báo tin nhắn ngân hàng và không chia sẻ thông tin giao dịch với bất kỳ ai. Tin tưởng vào người quen và chức danh nhân viên ngân hàng của Tiểu Vũ, bà Dương đã đồng ý chuyển toàn bộ số tiền theo hướng dẫn.
Trong suốt một năm sau đó, bà Dương không kiểm tra tài khoản vì cho rằng khoản đầu tư cần “bảo mật”. Đến ngày đáo hạn, bà tới ngân hàng để kiểm tra và được thông báo tài khoản không có tiền. Việc này khiến bà bất ngờ và yêu cầu tra soát lại nhiều lần nhưng kết quả không thay đổi. Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng và nhân viên có mặt tại ngân hàng lúc đó.
Đáng chú ý, bà Dương không phải là nạn nhân duy nhất. Các trường hợp trước đó đều có điểm chung: được giới thiệu bởi ông Ngô, tham gia các gói tài chính không có trong danh mục chính thức của ngân hàng, và không thông báo cho người thân trước khi chuyển tiền. Ngân hàng đã chuyển thông tin cho cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc.
Đường dây lừa đảo có tổ chức, nhân viên ngân hàng tiếp tay
Cảnh sát sau đó vào cuộc và xác định toàn bộ số tiền ban đầu được chuyển vào tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau, số tiền đã bị rút và chuyển tiếp sang một tài khoản khác đứng tên một người phụ nữ tên Khâu. Dữ liệu giao dịch cho thấy đây là hành vi có tổ chức và được thực hiện có hệ thống.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định nhóm lừa đảo gồm ba đối tượng chính: Chu (nhân viên ngân hàng), Khâu (người chủ mưu), và ông Ngô (người giới thiệu).
Chu chịu trách nhiệm xử lý khâu nghiệp vụ nội bộ, Khâu giữ vai trò kiểm soát dòng tiền, trong khi ông Ngô tiếp cận các khách hàng có tiềm lực tài chính và dẫn dụ tham gia đầu tư. Cách thức hoạt động được thiết kế khiến nạn nhân tưởng rằng mình đang thực hiện giao dịch chính thức tại ngân hàng.
Ảnh minh họa
Mở rộng điều tra cho thấy nhóm này đã gây án tại nhiều tỉnh thành khác nhau, với tổng số tiền chiếm đoạt ước tính khoảng 500 triệu NDT (hơn 1,8 nghìn tỷ). Đối tượng Khâu từng là doanh nhân tại Hàng Châu, sau khi gặp khó khăn tài chính đã xây dựng mô hình huy động vốn trái phép để “giải cứu doanh nghiệp”. Khâu hứa trả hoa hồng 10% cho các nhân viên ngân hàng tham gia nhằm mở rộng mạng lưới.
Tuy nhiên, do áp lực chi trả hoa hồng ngày càng lớn, Khâu không còn đủ khả năng vận hành hệ thống và đã bỏ trốn ra nước ngoài. Sau khi bị truy nã quốc tế, đối tượng này bị bắt và dẫn độ về Trung Quốc. Cùng thời điểm, Ngân hàng Nông nghiệp đã phối hợp với cơ quan chức năng, thu hồi được hơn 50 triệu NDT (hơn 180 tỷ), trong đó có khoản tiền của bà Dương.
Ngân hàng cam kết hoàn trả toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân. Các cá nhân liên quan trong nội bộ ngân hàng đã bị đình chỉ công tác và xử lý theo quy định. Hiện vụ án đã được chuyển sang cơ quan tố tụng để truy tố các bị can theo quy định của pháp luật.
Sự việc cho thấy các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt khi có sự tiếp tay từ nội bộ tổ chức tài chính. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các lời mời đầu tư lãi suất cao và kiểm chứng thông tin qua kênh chính thức. Việc giữ nguyên các biện pháp xác thực giao dịch như thông báo tin nhắn và tham khảo ý kiến người thân cũng là bước cần thiết để hạn chế rủi ro.
Theo Baidu
Nguồn tin: https://cafef.vn/dem-47-ty-dong-tien-den-bu-dat-gui-tiet-kiem-1-nam-sau-nguoi-phu-nu-sung-so-khi-ngan-hang-tuyen-bo-ba-chua-tung-gui-1-dong-nao-188250717121637081.chn