“Ảo tưởng” kinh doanh quán ăn dễ kiếm tiền
Dịch vụ ăn uống là một trong những ngành khiến người ta có cảm giác dễ bước chân vào và dễ kiếm được tiền. Bởi khi một vị khách đến nhà hàng ăn, bạn sẽ lập tức cảm nhận được lợi nhuận mà người đó đem lại. Hầu hết khách hàng đều rất rõ giá rau, thịt ngoài chợ nhưng khi vào nhà hàng giá cả ít nhất sẽ được tăng lên gấp đôi.
Ngành dịch vụ ăn uống có một điểm rất khác so với những lĩnh vực khác. Trong các ngành thời trang, nhà ở, phương tiện đi lại nếu người mua không phải là người có kiến thức chuyên sâu thì không tài nào biết được giá trị thực của sản phẩm. Vì hình thức kinh doanh của nó đa phần theo kiểu phân phối, vì thế rất khó nắm rõ được tình hình kinh doanh của những ngành hàng đó.
Ngược lại, đối với dịch vụ ăn uống, chỉ cần nhà hàng buôn bán tốt một chút, nhà hàng vẫn sẽ rất đông khách trong thời gian cao điểm. Người ngoài nhìn vào chắc chắn sẽ cảm thấy đây là ngành hái ra tiền. Nếu bạn nói với họ kiếm tiền từ việc mở quán ăn không hề dễ dàng, họ nhất định sẽ có cảm giác bạn đang lừa họ. Đa phần người ta chỉ nhìn vào những nhà hàng, quán ăn kinh doanh tốt và nghĩ rằng mình có thể vượt qua được họ. Suy nghĩ đó khiến những người muốn khởi nghiệp luôn cảm thấy mở quán ăn là lựa chọn hàng đầu.
Vì ngành dịch vụ ăn uống quá trực quan và có tính đánh lừa suy nghĩ vì thế mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau về việc mở quán ăn, có người cảm thấy ngành này kiếm được tiền cũng có người nghi ngờ về khả năng kiếm tiền từ đây. Nhưng thực tế, để kinh doanh quán ăn có lãi, không hề dễ dàng.
Đối mặt với nguy cơ phá sản vì thiếu kiến thức và hiểu biết với
Nhiều người có cách nhìn nhận tương tự nhau dẫn đến kết quả mỗi ngày có hàng ngàn hàng vạn quán ăn được mở ra, đồng thời cũng có vô số quán ăn phải ngậm ngùi đóng cửa, chỉ có một số ít nhà hàng có thể duy trì được việc kinh doanh. Vậy những quán ăn như thế nào sẽ có nguy cơ phá sản?
Phần lớn những quán ăn đóng cửa đều do những người không chuyên về dịch vụ ăn uống hoặc không có kiến thức trong lĩnh vực này đứng ra kinh doanh. Họ cứ nghĩ yêu cầu trong lĩnh vực ăn uống tương đối thấp. Vì thế không cần nghiên cứu, không cần điều tra thị trường, cũng không có chính sách dự phòng cho những sai sót, càng không nỡ chi tiền để tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi bắt đầu kinh doanh.
Đa phần các nhà hàng quán ăn mở ra đều không có nhiều sự chuẩn bị. 10 năm trước, sức cạnh tranh trong ngành dịch vụ ăn uống không quá gay gắt, chi phí thuê nhân công tương đối thấp nên có thể tồn tại bằng cách vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhưng ngày nay, nếu không phải là một chuyên gia thực sự, không có tài chính vững chắc, không khảo sát thị trường mà chỉ dựa vào sự tự tin thái quá của bản thân để mở quán ăn và nghĩ rằng mình hiểu nó thì chắc chắn bạn sẽ “chết lặng” sau khi quán ăn đi vào hoạt động. Chỉ cần một kiến thức rất căn bản cũng có thể khiến bạn thất bại thê thảm.
Ví dụ thực tế này khiến bạn có thể nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của kiến thức. Một đầu bếp làm việc hơn 10 năm ở rất nhiều các nhà hàng khác nhau, việc nấu ăn thông thường đối với anh ta không là vấn đề. Năm ngoái, anh ta làm việc tại một nhà hàng ở Trùng Khánh, thấy nhà hàng này kinh doanh rất tốt nên anh cũng muốn tự mở một quán mì. Sau khi qua dịch, anh ta thuê một cửa tiệm ở khu ẩm thực, kế bên là quán bún nghêu và lẩu cay Tứ Xuyên, trong khu ẩm thực còn có một tiệm mì tên là mì Trùng Khánh.
Anh ta nghĩ mình là đầu bếp ở quán mì Trùng Khánh chính hiệu, mì mình làm chắc chắn sẽ ngon hơn quán trong khu ẩm thực kia, khách hàng nhất định sẽ đến quán ăn. Nhưng sau khi khai trương quán mì ngày nào cũng lỗ vốn, các hình thức khuyến mãi đưa ra đều không thể thu hút khách hàng. Quán bún nghêu kinh doanh cực kỳ phát đạt, quán lẩu Tứ Xuyên và mì Trùng Khánh cũng làm ăn khá tốt, chỉ duy nhất quán mì của anh ta không có khách.
Ví dụ khác là ông Trương, một doanh nhân kinh doanh thời trang. Một lần nọ khi đi du lịch thưởng thức món thịt cừu ông cảm thấy món ăn này rất ngon, tình hình buôn bán ở đây cũng rất khả quan. Khi qua trở lại Thượng Hải, ông Trương đã đầu tư 600 nghìn NDT (hơn 2 tỷ VND) để mở một quán lẩu thịt cừu nhỏ, kết quả chưa đầy nửa năm ông đã tiêu sạch tiền vốn và còn thua lỗ một khoản không nhỏ.
Trang bị kiến thức và trải nghiệm trước khi khởi nghiệp để giảm thiểu rủi ro
Nếu một người ngoài ngành dễ dàng thành công trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống như vậy thì những người kinh doanh lâu năm sao có thể sống được? Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại của hầu hết người mở quán ăn là vì họ không biết sợ. Nếu muốn kiếm tiền từ ngành dịch vụ ăn uống, ít nhất bạn phải dành một năm để đầu tư, trải nghiệm, làm quen với cách thức phục vụ. Nếu không chịu đầu tư để học hỏi, thì đừng làm, tiền không phải là thứ dễ kiếm.
Logic cơ bản của một người làm kinh doanh rất quan trọng. Khi có ý tưởng kinh doanh, trước tiên hãy thu thập một lượng lớn thông tin từ các kênh khác nhau, dù thông tin đó đúng hay sai thì điều cần thiết là có cái nhìn sơ bộ về những gì mà bạn đang làm. Tiếp đó, dựa vào những thông tin có được để đưa ra phán đoán, như vậy, có thể đảm bảo rằng tỷ lệ thất bại của bạn sẽ giảm đi đáng kể.
Rrất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thất bại khi mở quán ăn. Những người không chuyên hoặc không hiểu rõ bản chất của việc kinh doanh ăn uống nhưng vẫn tự tin kinh doanh sẽ là những người có gặp rủi ro lớn nhất. Nếu muốn khởi nghiệp với kinh doanh quán ăn, bạn hãy lý trí tìm một dự án phù hợp. Sau đó nghiên cứu thật kỹ, tập trung hiểu rõ bản chất của ngành nghề mình đang theo đuổi, sau đó tìm cách giải quyết những vấn đề gặp phải. Đừng bao giờ hỏi làm thế nào để kiếm tiền từ dịch vụ ăn uống.
Hãy nhớ kỹ một câu: Những gì người khác cung cấp cho bạn chỉ là thông tin, nếu muốn kiếm tiền bằng việc mở quán ăn hay nhà hàng, bạn phải bỏ ra rất nhiều thời gian công sức để nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi.