Thư viện Dương Liễu là thư viện tư nhân, hoạt động vì cộng đồng, hoàn toàn miễn phí và có giấy phép hoạt động đầu tiên tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Bắt đầu là 1 thư viện nhỏ tại phòng khách của 1 thành viên sáng lập. Sau 10 năm hoạt động thư viện Dương Liễu đã trở thành điểm hẹn tri thức – văn hóa của nhiều thế hệ trẻ nhỏ. Nơi đây không chỉ thắp sáng tri thức, chắp cánh ước mơ mà còn hướng các độc giả nhí đến việc thắp tình yêu thương thông qua đa dạng các sự kiện ở nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau như văn hoá, giáo dục, môi trường, thiện nguyện…
Người đồng sáng lập và Quản lý thư viện cũng đã chắp cánh ước mơ của chính mình tại nơi đó. Anh là Phùng Bá Hưng, 33 tuổi, vừa nhận học bổng chương trình thạc sĩ Fulbright năm 2023. Bản thân Phùng Bá Hưng tốt nghiệp cử nhân Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và rất yêu sách báo. Khi ra thành phố học tập, Hưng thấu hiểu hơn những thiệt thòi mà trẻ con vùng quê phải chịu. Hưng nhận ra rằng, việc lập nên một thư viện nho nhỏ cho trẻ con trong làng có địa điểm vui chơi, không chỉ giúp các em có thêm sân chơi lành mạnh mà còn giúp các em mở rộng kiến thức, thắp sáng ước mơ khi làm bạn với sách.
–Vì sao học báo chí truyền thông nhưng anh lại nuôi dưỡng tình yêu với thư viện đến thế?
Tôi nghĩ đó là cơ duyên khi từ bé tôi đã rất thích đọc sách. Mối duyên này tôi từng kể lại trong bài luận xin học bổng thạc sĩ ĐH Fulbright.
Ngày bé, tôi rất thích sách. Có chút tiền tiêu vặt nào cũng gom góp để mua sách truyện và đọc ngấu nghiến ngay từ trên đường về nhà.
Tuổi thơ tôi lớn lên cùng những câu thơ bà đọc mỗi tối trước khi đi ngủ. Dù gia đình không khá giả, nhưng bố tôi vẫn đặt báo Thiếu niên tiền phong hàng tuần cho tôi đọc. Tôi mê sách đến nỗi còn giấu truyện, sách vào cạp quần, lén đọc trong giờ học… Hồi cấp 1 tôi còn định kinh doanh cho thuê truyện, sách báo…. nhưng sập tiệm vì không ai thuê. Đó là những hạt mầm đầu tiên với sách của tôi.
Ngày thi Đại học tôi chưa biết rằng thư viện cũng là 1 nghề, nên tôi đã chọn báo chí để thỏa niềm yêu thích được đi đó đây. Nhưng rồi niềm đam mê đã đưa tôi về đúng chỗ. Hạt mầm với sách đã nảy nở và phát triển khi tôi bắt gặp Thư viện Dương Liễu. Tình yêu với thư viện, sách của tôi đã duy trì 1 thời gian dài, tự nhiên như hơi thở. Đến khi gặp thư viện Dương liễu thì đam mê đó ăn sâu hơn, mạnh mẽ hơn thôi.
–Nhớ lại thời điểm bắt đầu với thư viện Dương Liễu, lí do gì khiến anh bắt đầu?
Tôi không phải người đầu tiên bắt đầu Thư viện Dương Liễu, nhưng là người duy nhất trong nhóm sáng lập ban đầu còn lại tới bây giờ.
Thời điểm năm 2013, internet bùng nổ, thư viện của trường học chưa đáp ứng được nhu cầu đọc sách của trẻ con. Vì thế mục tiêu ban đầu của chúng tôi đơn giản là giúp trẻ con tại địa phương tránh xa thiết bị điện tử và đọc sách nhiều hơn.
Khi đó, thư viện đặt tại phòng khách của nhà 1 thành viên trong nhóm, giản dị với vài cái ghế, vài cái giá sách tự làm, vài trăm đầu sách do các cá nhân tự đóng góp với nhau và “đi xin”. Kinh phí của chúng tôi chỉ có 1 chút do các cá nhân tự vận động với nhau, để phục vụ việc in ấn.
Sang năm thứ 2, chúng tôi bắt đầu phát hành thẻ đọc sách, thiết kế logo, sắp lại bố cục để giống 1 thư viện hơn. Chúng tôi tuyển tình nguyện viện để thu hút mọi người, chia sẻ thẳng thắn về những thứ mà thư viện Dương Liễu đang cần, đang thiếu. Bằng cách đó, thư viện Dương Liễu bắt đầu nhận được sự quan tâm và giúp sức của cộng đồng và phát triển nhanh hơn.
Nhưng sau 2-3 năm, khi chuyên tâm hơn vào thư viện, độc giả tới nhiều hơn, nhiều tình nguyện viên hơn, tôi nhận ra mình cần xác định lại vai trò của thư viện và cần nâng cao năng lực bản thân hơn nữa. Tôi bắt đầu tự đọc, học, tìm hỏi trên internet kiến thức về thư viện.
Trong quá trình đó, tôi so sánh, đối chiếu ngành thư viện ở Việt Nam và các nước phát triển khác ở châu Âu và Mỹ. Tôi phát hiện ra, ở các nước đó, thư viện rất quan trọng và được coi là 1 trụ cột để phát triển văn hóa xã hội.
Từ đó, ngoài hoạt động đọc sách, Thư viện Dương Liễu có thêm mục tiêu phát triển đời sống văn hoá tinh thần cho bạn đọc. Chúng tôi bắt đầu xây dựng và triển khai nhiều sự kiện, cuộc thi nhỏ, các hoạt động văn hoá khác ở thư viện để thu hút độc giả. Lúc đó Vụ thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã để ý tới và tôi nhận được lời mời tham dự các hội thảo chuyên ngành để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
–Từ 1 thư viện đến 1 mạng lưới thư viện địa phương với 36 thành viên. Đâu là một thách thức của ngành thư viện tại Việt Nam mà anh mong góp phần giải quyết?
Từ năm 2019, tôi nhận được nhiều lời mời tham dự các hội thảo chia sẻ về thư viện và nhiều cá nhân tổ chức thư viện khác liên lạc để học hỏi kinh nghiệm cả ở Hà Nội và cả ở địa phương khác. Sau những lần đi như thế tôi nhận rằng hiện đang có rất nhiều người đang có chung niềm đam mê về thư viện nhưng họ chưa biết bắt đầu từ đâu và triển khai ra sao. Cũng từ đó, tôi có thêm mục tiêu hỗ trợ các cá nhân có cùng đam mê, các thư viện có cùng mô hình về lĩnh vực chuyên môn, để giúp các thư viện phát triển bền vững hơn, hấp dẫn hơn.
Khi tìm hiểu các dự án thư viện ở Việt Nam, tội nhận ra đa số các dự án hiện đang phát triển về số lượng sách, tặng sách như tạo các điểm, tủ sách ở nông thôn, vùng cao nhưng rất ít các dự án hỗ trợ các thư viện phát triển và hoạt động hiệu quả hơn. Tôi nghĩ nếu có thể làm tốt mảng đó thì các thư viện mới thành lập sẽ không bị rơi vào bế tắc, lãng phí nguồn sách và không có hoạt động gì.
Tôi nghĩ rằng tại sao mình không thành lập 1 tổ chức khác để các cá nhân, tổ chức chung niềm đam mê cùng trao đổi và phát triển. Local Bookable đã bắt đầu hình thành như thế.
Local Bookable là cộng đồng nơi các cá nhân, tổ chức thư viện cùng giao lưu học hỏi, tạo động lực cho nhau. Với sự hỗ trợ của khoảng 10 thành viên có kinh nghiệm và chuyên môn về thư viện, tôi có vai trò là người kết nối, để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm sắp xếp và tổ chức hoạt động.
Local Bookable không giải quyết được hết vấn đề, nhưng tôi hy vọng những người đang làm thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng có thể truyền cảm hứng và hỗ trợ lẫn nhau.
–Anh đã làm gì để duy trì hoạt động của thư viện Dương Liễu suốt thời gian dài mà không có lợi nhuận?
Trong suốt những năm qua, rất nhiều lớp tình nguyện viên (TNV) tham gia góp sức cho thư viện, và nhiều bạn đã gắn bó 5-6 năm. Rất nhiều người đã hỗ trợ thư viện Dương Liễu cả công sức lẫn tiền bạc, có như vậy Thư viện mới có thể duy trì được suốt 10 năm qua. Dù có người ở lại, có người đã ra đi, thì đó cũng là điều tự nhiên thôi vì không phải ai cũng có thể gắn bó với một mô hình hoạt động phi lợi nhuận lâu dài.
Hàng năm, thư viện tổ chức tuyển TNV trong dịp hè, đối tượng là các em học sinh từ lớp 10. Chúng tôi rất rõ ràng trong việc cung cấp thông tin: Thư viện cung cấp cho bạn giá trị gì, bạn sẽ nhận lại những gì, để các bạn thấy xứng đáng trong quá trình hoạt động? Mặc dù thư viện Dương Liễu chỉ có quy mô cấp xã nhưng mục tiêu đầu ra của chúng tôi hướng tới những tiêu chuẩn chuyên nghiệp và thực tế.
Các bạn TNV ở thư viện Dương Liễu sẽ có cơ hội được học hỏi, trang bị kỹ năng về cuộc sống, làm việc như các lớp kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng quản lý dự án… Và chính các bạn sẽ được trải nghiệm thực tế việc tổ chức sự kiện, làm dự án như thế nào… Đó là những kỹ năng mà đa số phải đợi tới khi học Đại học các bạn mới được dạy bài bản.
Các TNV ở thư viện Dương Liễu khi tham gia đều có mục tiêu rõ ràng và hiểu được những thứ các bạn có thể gặt hái, xứng đáng để đóng góp thời gian, công sức. Đó là mô hình win-win 2 bên. Cả 2 bên đều cảm thấy rất hợp lý và có thể đi đường dài cùng nhau.
–Sau 10 năm hình thành và phát triển mạng lưới thư viện, điều gì khiến anh tự hào nhất về những thứ mình đã và đang làm suốt 10 năm qua?
Ở Thư viện Dương Liễu có một câu nói được coi như kim chỉ nam “Trẻ em có thể tạo ra điều kỳ diệu khi chúng đọc sách”. Tôi tự hào vì thư viện Dương Liễu đã có hơn 3.500 bạn đọc, hơn 100 TNV – tương đương số nhân sự của 1 công ty to, hơn 10.000 đầu sách đa dạng, 50-70 sự kiện và hoạt động/năm, riêng năm 2022 số giờ hoạt động tương ứng với gần 200 ngày không ngừng nghỉ… Nhiều bạn TNV đến Thư viện khi còn rất nhỏ, rồi trưởng thành từ thư viện, đạt được thành tích học tập cao, được ghi nhận ở các trường ĐH, một số bạn được học bổng đi du học nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Mỹ…
Nhưng điều tôi tự hào nhất chính là tình cảm mà tụi trẻ con dành cho tôi. Ví dụ có những hôm mà không vào thư viện là các bạn nhỏ hỏi thăm: sao lâu không thấy anh qua thư viện. Ở trên đường, lũ trẻ ở xã có thể nhận ra tôi từ xa và thường dành cho tôi những món quà nhỏ như vài chiếc kẹo chẳng hạn… Những điều đó dù nhỏ nhưng có thể minh chứng việc tôi nhận được rất nhiều tình cảm của các bạn đọc nhí khi đóng góp vô điều kiện cho cộng đồng.
–Ngay khi ra trường anh đã bắt đầu chuyên tâm vào thư viện Dương Liễu và làm việc hàng ngày vì thư viện. Phản ứng của gia đình anh ra sao khi con trai tốt nghiệp đại học xong lại đi “vác tù và hàng tổng”?
Sau khi ra trường tôi cũng công việc của mình trong 1 agency về truyền thông quảng cáo của Nhật. Tôi gắn bó với công ty hơn 5 năm sau đó thì làm việc freelance để có nguồn tiền để duy trì cuộc sống và hỗ trợ gia đình.
Ban đầu khi tôi làm việc ở thư viện Dương Liễu bố mẹ tôi cũng phản ứng vì “vác tù và hàng tổng, làm chuyện đâu đâu”. Có lẽ hầu hết những người tham gia hoạt động xã hội chắc đều từng nghe những lời bình luận như thế.
Nhưng sau này, khi thư viện có được những kết quả, có ảnh hưởng nhất định tới lớp trẻ ở địa phương, ngày càng nhiều độc giả, phụ huynh phản ứng tích cực, báo chí nhắc tới thư viện Dương Liễu nhiều, thì bố mẹ tôi cũng cảm thấy tự hào hơn vì tôi đang đóng góp 1 phần cho văn hóa đọc của xã. Đến năm thứ 3, thứ 4 hoạt động, bố mẹ tôi không còn nói gì khi thấy tôi cắp cặp ra thư viện trong các buổi tối 3-5-7 nữa.
Sự thông cảm, thấu hiểu của bố mẹ với hoạt động tại thư viện của tôi cũng hết sức quan trọng. Tôi rất biết ơn bố mẹ khi trong suốt những năm qua đã tạo điều kiện cho tôi chuyên tâm cho thư viện Dương Liễu. Bởi trong gia đình tôi cũng có nhiều việc, nhưng khi thấy tôi đang tập trung cho thư viện Dương Liễu thì bố mẹ sẽ không nhờ nữa. Và tôi được quyền quyết định sự ưu tiên của mình.
–Động lực nào để anh gắn bó với 1 thư viện Dương Liễu trong thời gian lâu đến thế?
Ở các nước phát triển, thư viện là thứ rất quan trọng. Trong quá trình tìm hiểu, càng làm tôi càng thấy đam mê, thú vị khi có thể tạo ra những giá trị cho trẻ con, bạn đọc. Và tôi nhận được sự yêu qúy của các bạn nhỏ và các tình nguyện viên rất nhiều.
Động lực lớn thứ 2 cho tôi trong 10 năm qua là, rất nhiều bạn đọc của thư viện Dương Liễu đã trưởng thành: từ bạn đọc, trở thành TNV và có thể đi du học, phát triển cá nhân, gặt hái thành công với những trải nghiệm các bạn có được ở thư viện. Tôi tự hào khi TV Dương Liễu là nơi các bạn được thỏa sức triển khai các ý tưởng, phát triển cá nhân và hỗ trợ cho cộng đồng. Tôi nhận ra thư viện là nơi rất tốt để phát triển cho các bạn trẻ, và đó chính là động lực để tôi theo ngành thư viện.
Thứ 3, sách và thư viện là niềm đam mê, yêu thích rất lớn. Tôi coi đó là 1 phần cuộc sống của mình, là việc tôi làm mỗi ngày, không chút áp lực hay thúc giục nào.
-Đạt học bổng Fulbright và du học thạc sĩ ở Mỹ từ tháng 7. Quãng thời gian qua anh đã học hỏi được thêm những điều gì mới mẻ cho giấc mơ thư viện cộng đồng của mình?
Trong 2 tháng trải nghiệm cuộc sống và học tập ở Mỹ, tôi nhận thấy thư viện ở đây đều được người dân và chính quyền quan tâm, coi trọng. Các thư viện ở đây luôn được đặt ở vị trí trung tâm để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng nhất và được đầu tư rất khủng cả về tài chính và nhân sự.
Thư viện ở bên đây cũng là nơi bất cứ ai cũng có thể tới, họ có các chương trình thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: giờ kể chuyện “Story time” cho bạn nhỏ, các lớp học về khoa học cho cho thiếu niên, tư vấn tâm lý cho người lớn, chương trình sách cho người già, người vô gia cư… Điều này rất khác ở Việt Nam.
Vì thế, trong 2 năm tới, tôi sẽ chuyên tâm vào việc học kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Song song vào đó thì tôi sẽ liên tục chia sẻ những điều tôi học được với nhóm thành viên chủ chốt của thư viện Dương Liễu cũng như nhóm thư viện thành viên để mọi người cùng nhau phát triển và tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng!
-Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
“Giải thưởng thành động vì cộng đồng – Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng – Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org