Theo ý kiến của một chuyên gia tâm lý ở Trung Quốc: Thành tích học tập của một đứa trẻ không liên quan nhiều đến việc cha mẹ đầu tư cho con phòng học tiện nghi ra sao mà là cách bài trí trong nhà và bầu không khí gia đình.
“Mục đích của giáo dục không chỉ nhìn vào điểm số, mà quan trọng hơn phải làm cho trẻ thích học. Nếu tâm trí của đứa trẻ không tập trung vào việc học, thì việc sống trong một căn phòng đắt tiền với đầy đủ dụng cụ học tập, thiết bị tối tân bao quanh cũng là điều vô ích”, chuyên gia này cho biết.
Theo chuyên gia này, 3 vị trí sau trong căn nhà ảnh hưởng đến trẻ:
1. Phòng ngủ
Cha mẹ nào cũng muốn được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc bận rộn. Tuy nhiên, đừng vì thế mà phớt lờ những cuộc nói chuyện chân tình với con. Điều này không chỉ cho phép cha mẹ theo kịp trạng thái tâm lý của con cái mà còn rèn luyện khả năng học tập của trẻ. Tiến sĩ Dana Suskind của Đại học Y khoa Chicago (Mỹ) từng nói rằng ngôn ngữ của cha mẹ là nguồn giáo dục tốt nhất để kích thích sự phát triển của não bộ. Theo cách nói bình thường, nếu cha mẹ nói chuyện với con cái nhiều hơn, sẽ thông minh hơn.
Một số nhà tâm lý học đã phân tích rằng trí nhớ đạt đỉnh điểm trước khi chìm vào giấc ngủ vào ban đêm. Trẻ có tâm lý háo hức được cha mẹ ôm và giao tiếp một cách tập trung… Lúc này, khi cha mẹ trò chuyện cùng con, trẻ dễ trút bầu tâm sự hơn. Nếu cha mẹ không có thời gian trong ngày thì phải tranh thủ thời gian trước khi đi ngủ để tương tác với con, hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội.
Không quan trọng chủ đề là gì cũng như nội dung của nó bao nhiêu kiến thức, điều quan trọng là cuộc trò chuyện mang đến cho trẻ sự quan tâm và yêu thương. Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương sẽ có tâm hồn kiên định hơn, không bị những chuyện vụn vặt làm phiền lòng, năng động hơn trong cuộc sống và học tập.
2. Gian bếp
Nhiều bậc cha mẹ đuổi con ra ngoài khi nhìn thấy con chơi trong bếp. Một mặt, họ cảm thấy con mình đang quậy phá, mặt khác, họ không muốn con trì hoãn thời gian học tập vì những việc “không liên quan” này. Thật ra, những điều tưởng chừng rất bình thường trong nhà bếp chính là cơ hội để rèn luyện khả năng sinh tồn và phát triển trí não của đứa trẻ.
Mối liên hệ giữa dây thần kinh não người và dây thần kinh ngón tay là gần nhất, trẻ vận động tinh càng tốt thì mức độ phát triển của não bộ sẽ càng cao, như nhà giáo dục Suhomlinski (Ukraina) đã nói, trí tuệ của trẻ nằm ở ngón tay.
Việc “chơi” vào bếp ngay từ khi còn nhỏ không chỉ giúp ích cho sự phát triển trí não, trí tuệ của trẻ mà còn rèn luyện cho trẻ kỹ năng và tâm thế sống tự lập. Một đứa trẻ đủ yêu đời sẽ say mê học tập với thái độ tích cực hơn, một đứa trẻ có thể kiểm soát cuộc sống sẽ chuyển khả năng này sang học tập và có trách nhiệm với việc học của mình.
3. Phòng khách
Phòng khách trong mắt các bậc cha mẹ là nơi treo tivi và đặt sofa. Ít người nghĩ đến việc cho con học trong phòng khách vì tin rằng trẻ em nên học ở một nơi yên tĩnh và không bị quấy rầy như phòng học.
Tuy nhiên, nhà giáo dục Nhật Bản Nishimura Noriyasu tin rằng việc đặt giá sách và bàn học trong phòng khách có thể dễ dàng kích thích sự chủ động học tập của trẻ hơn. Đại học Keio của Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu trên 200 nhóm gia đình có con “học giỏi cấp 2” và thấy rằng: So với phòng trẻ em yên tĩnh và khép kín, hầu hết trẻ em có điểm xuất sắc và học tập tích cực đều thích phòng học có môi trường mở.
Một số cha mẹ có thể lo lắng: “Con học trong phòng riêng làm bài còn không tốt. Nếu học ở phòng khách, con có tập trung được không? Con có học hiệu quả không?”.
Tuy nhiên, hóa ra những đứa trẻ ngồi một mình trên bàn và học trong một căn phòng cách ly với mọi tiếng ồn sẽ dễ bị phân tâm hơn. Một người cha đã bí mật chụp ảnh con làm bài tập một mình trong phòng trong 9 phút: Con dùng ngón tay gõ vào tường trong 10 giây, đẩy và kéo cửa phòng trong 1 phút 31 giây, vẽ lên tường trong 1 phút và 46 giây, và nghĩ về cuộc sống trong 57 giây. Nhấc tay và chân trong 1 phút 38 giây, đi vệ sinh một lần ở giữa. Trong số 9 phút đó, đứa trẻ thực sự chỉ dành 2 phút để làm bài tập về nhà.
Trên thực tế, ở những nơi mà cha mẹ không thể nhìn thấy, sẽ có rất nhiều thứ xung quanh trẻ khiến trẻ thích thú, chẳng hạn như: Cục tẩy này rất vui, chiếc bút này cũng rất vui, cha mẹ đang nói về cái gì…
Cần phải có sự kiềm chế để trẻ chủ động dừng lại những cử động nhỏ này. Trước khi con có khả năng tự giác, cha mẹ đừng để con một mình trong phòng học yên tĩnh, khép kín mà cần đồng hành và gắn kết việc học với những cảm xúc tích cực. Chỉ bằng cách này, hứng thú học tập của trẻ mới được kích thích thay vì nhàm chán.