Giải quyết vướng mắc 21 dự án năng lượng trọng điểm
Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được thông qua đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện xong trước cuối năm 2025.
Đối với phân ngành dầu khí , Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá, ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển, khai thác các dự án mỏ khí trong nước, đặc biệt là 2 chuỗi dự án khí – điện Lô B và Cá Voi Xanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện.
Đối với dự trữ xăng dầu quốc gia, cần nghiên cứu, đánh giá tác động, hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng, quy chế quản lý kho dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu tại mỗi miền Bắc, Trung, Nam, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển năng lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và kết luận, xử lý dứt điểm các vụ việc sai phạm.
Trong năm nay, xác định cụ thể những vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính hiện nay của các tập đoàn, tổng công ty kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu đề xuất hoặc quyết định theo thẩm quyền các giải pháp xử lý, không để tình trạng tiếp tục thua lỗ, mất cân đối tài chính trong các đơn vị này.
Đánh giá hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tổ chức đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh, làm cơ sở thúc đẩy tái cơ cấu ngành điện, phục vụ phát triển thị trường điện hiệu quả. Tăng cường tính độc lập, minh bạch và năng lực của cơ quan điều tiết điện lực và đơn vị vận hành thị trường điện. Đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện bán buôn và bán lẻ cạnh tranh. Xử lý các vướng mắc hiện nay trong thị trường điện.
“Hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại, xây dựng cơ chế tài chính bảo đảm hoạt động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phù hợp với yêu cầu thực tế. Nghiên cứu, phát triển các công ty mua bán điện theo hướng đa dạng các chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu phát triển hạ tầng điện và thị trường điện. Khẩn trương tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức, hiệu quả hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có các giải pháp phù hợp”, Nghị quyết nêu rõ.
Thực hiện cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng Nhà nước tiếp tục nắm 100% vốn tại công ty mẹ và các nội dung khác theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.
Ủy ban Thường vụ cũng lưu ý về việc nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, điều hành thị trường và giá năng lượng, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, quản lý doanh nghiệp và cán bộ chuyên môn kỹ thuật trong các cơ quan quản lý, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với 21 dự án, chuỗi dự án năng lượng trọng điểm, trong đó có 12/13 dự án thuộc danh mục dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than , dầu khí chậm tiến độ giai đoạn 2016 – 2021 theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội; xử lý tồn tại, yếu kém đối với 3 dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước.
“Có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình, dự án về nguồn điện, lưới điện truyền tải, không để chậm hòa lưới các dự án nguồn, hạn chế năng lực giải tỏa công suất của các nhà máy điện”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật về năng lượng tái tạo, về biến đổi khí hậu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/yeu-cau-cham-dut-thua-lo-tai-cac-tap-doan-tong-cong-ty-nang-luong-188231220092309923.chn