Nội dung chính:
- Thaiholdings đã thanh toán toàn bộ hơn 885 tỷ đồng nợ vay trong nửa đầu năm, trong đó gần 813 tỷ đồng được thanh toán trong riêng quý II/2023.
- Là một trong 17 doanh nghiệp bất động sản không vay nợ, lợi nhuận của Thaiholdings vẫn đến từ các hoạt động khác.
- Thaiholdings cho hai công ty khác vay 730 tỷ đồng lãi suất trên 10%/tháng từ cuối quý II/2023 – hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn trong nửa cuối năm 2023.
Trong khi các doanh nghiệp bất động sản nói chung đang phải “vật lộn” với các khoản vay và gánh nặng chi phí lãi vay, Thaiholdings (HoSE: THD) là một trong 17 doanh nghiệp bất động sản hoàn toàn không vay nợ tại thời điểm giữa năm 2023 (*).
Kết quả này có được nhờ nỗ lực trả nợ của công ty trong vòng nửa năm. Từ mức 885 tỷ đồng nợ ngắn hạn vào đầu năm (công ty không có nợ dài hạn), đến giữa năm 2023, Thaiholdings hoàn toàn không còn vay nợ. Trong riêng quý II/2023, công ty đã thanh toán gần 813 tỷ đồng nợ vay.
Dòng tiền dồi dào của Thaiholdings trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh, trong đó đáng kể nhất là từ các việc thu hồi các khoản tín dụng thương mại (khoản phải thu) từ khách hàng.
Trong quý II/2023, Thaiholdings đã thu ròng 700 tỷ đồng từ các khách hàng, giảm số dư phải thu từ hơn 1.500 tỷ đồng xuống còn hơn 800 tỷ đồng.
Nợ phải thu khách hàng của Thaiholdings tập trung vào một nhóm khách hàng chính với số dư mỗi khách hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Công ty không phải trích lập dự phòng phải thu với các khách hàng lớn này. Với nhóm khách hàng khác có tổng nợ phải thu gần 300 tỷ đồng, Thaiholdings cũng chỉ trích lập dự phòng trên 8 tỷ đồng – giữ nguyên từ năm 2022 đến nay.
Ngoài việc thu hồi nợ từ khách hàng, Thaiholdings cũng rút khoản tiền gửi từ ngân hàng về hơn 500 tỷ đồng từ quý I/2023.
Dù cắt giảm nợ vay, chi phí lãi vay của Thaiholdings trong riêng quý II/2023 vẫn còn 17 tỷ đồng. Công ty lãi 30 tỷ đồng sau thuế trong quý II/2023 (cùng kỳ 2022 lãi 132 tỷ đồng), chủ yếu nhờ vào khoản tiền bồi thường gần 163 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của Thaiholdings vẫn khiến công ty lỗ thuần 111 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, Thaiholdings báo lãi 100 tỷ đồng sau thuế, nhờ khoản thu gần 269 tỷ đồng từ hoạt động khác (trong đó có khoản bồi thường 163 tỷ đồng trong quý II). So với nửa đầu năm 2022, lợi nhuận của Thaiholdings đã giảm quá nửa.
* Dữ liệu nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết/đăng ký giao dịch được lấy từ FiinPro, một sản phẩm của FiinGroup.
Cho vay lãi suất cao
Nguồn tiền dồi dào của Thaiholdings không chỉ giúp công ty xóa sạch nợ nần, mà còn cho các đối tác vay với lãi suất cao.
Tại thời điểm 30/6/2023, Thaiholdings cho hai công ty khác vay ngắn hạn tổng cộng 696 tỷ đồng với lãi suất từ 10% trở lên mỗi tháng. Với mức lãi suất này, mỗi tháng Thaiholdings sẽ thu về khoảng 70 tỷ đồng mỗi tháng.
Cụ thể, Thaiholdings cho Công ty TNHH PT và TM Thái Thịnh vay gần 456 tỷ đồng với lãi suất 10,6%/tháng với thời hạn 11 tháng và Công ty TNHH MTV Royal Đà nẵng vay 240 tỷ đồng thời hạn 9 tháng, lãi suất 10%/tháng.
Trong hai công ty nói trên, Royal Đà Nẵng được giới thiệu là bên liên quan với người nội bộ của Thaiholdings.
Thaiholdings tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Kinh Thành, được ông Nguyễn Đức Thụy thành lập từ năm 2011. Ông Thụy – được biết đến với biệt danh “bầu Thụy” – hiện là Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt.
Theo thông tin tự giới thiệu, Thaiholdings cùng các công ty con đang sở hữu khối tài sản khổng lồ và hàng loạt các dự án như: Dự án đô thị và nghỉ dưỡng gần 352 ha ở Phú Quốc; 59,98% cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên, 5 ha đất vàng tại số 5 – 7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội; sở hữu 2,7 ha đất ở tại Khu đô thị Xuân Thành, thành phố Ninh Bình; Cảng Ninh Phúc với chiều dài gần 1 km bám mặt nước và sở hữu 18,7 ha đất công nghiệp ở Ninh Bình; sở hữu tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê hạng A tại địa chỉ số 17 Tông Đản và 210 Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích gần 3.800m2 đất và 22 tầng xây dựng; sở hữu nhà máy Xi măng Quảng Nam với công suất 1,2 triệu tấn/năm, v.v.