CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2024 (niên độ tài chính mới từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau), ghi nhận doanh thu 4.124 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về hơn 100 tỷ lãi gộp, cao gấp 3 lần con số cùng kỳ (1/7-30/9/2022). Trong kỳ, Công ty tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động. Theo đó, LNST kỳ này đạt gần 67 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số thua lỗ hơn 3,5 tỷ cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức lãi theo quý cao nhất kể từ quý 1/2021.
Tính đến thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản CTD ghi nhận 20.551 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng lên 2.225 tỷ đồng (yếu tố giúp tăng doanh thu tài chính, lãi tiền gửi ngân hàng).
Công ty đang trích khoản 1.854 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, riêng khoản đầu tư chứng khoán đang chiếm 237 tỷ đồng và tạm lỗ hơn 15 tỷ.
Tổng nợ đang vào mức 12.212,5 tỷ, dư nợ vay không thay đổi đáng kể. Về vốn chủ sở hữu, tổng vốn tính đến cuối tháng 9 của CTD đạt hơn 8.338 tỷ đồng, “của để dành” có hơn 2.958 tỷ thặng dư vốn cổ phần và 455 tỷ LNST chưa phân phối.
CTD vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, tại đây lên kế hoạch năm tài chính 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu – gấp 2,6 lần năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng – gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nói về thị trường, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, 6 tháng qua, Công ty đã phân tích cơ hội, thách thức. Nhìn chung, thị trường chưa khởi sắc, tăng trưởng GDP đang dưới kỳ vọng, ở góc độ vĩ mô chưa có khởi sắc rõ ràng ở lĩnh vực bất động sản tại Tp.HCM, Hà Nội, chỉ một vài giấy phép được cấp cho các dự án mới.
Một số tín hiệu tích cực là thị trường đang hồi phục, dự kiến tới quý 2/2024 mới thấy dấu hiệu hồi phục rõ hơn. Hiện tại, Công ty lập kế hoạch kinh doanh khá thận trọng. Trong đó, Việt Nam vẫn đang cho thấy điểm sáng thu hút vốn FDI, điều này dẫn tới nhu cầu xây dựng mới nhà máy, nhà xưởng, nhà kho trong thời gian tới.