Sáng 6/9, Công an TP.HCM đã bất ngờ tiến hành thanh tra tại trụ sở VNG Campus, tọa lạc trên đường số 13, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM.
Sau sự việc, đại diện VNG (VNZ) khẳng định: “Các hoạt động kinh doanh và vận hành của công ty tại trụ sở vẫn diễn ra bình thường” và cho biết sẽ tiếp tục cập nhật tình hình khi có thông tin mới.
Ngay sau đó, rạng sáng ngày 7/9, ông Kelly Wong, Phó Tổng Giám đốc VNG được bổ nhiệm vào vị trí Quyền Tổng Giám đốc. Ông Kelly Wong được bổ nhiệm trong bối cảnh VNG không có thông tin nào khác về vị trí Tổng Giám đốc hiện tại. Theo thông tin trên báo cáo quản trị nửa đầu năm 2024, ông Lê Hồng Minh, người sáng lập, là CEO của VNG.
>> VNG lên tiếng về việc cảnh sát xuất hiện tại trụ sở
VNG mới đây công bố báo cáo soát xét bán niên 2024, với nhiều thông tin đáng chú ý, trong đó ghi nhận việc vụ bị kiện kéo dài chục năm tại Mỹ đã có biến động mới.
Theo VNG, tập đoàn đang liên quan đến một nghĩa vụ pháp lý tiềm tàng phát sinh từ một vụ kiện vi phạm bản quyền tại Hoa Kỳ từ năm 2014.
Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bị tòa án liên bang bác bỏ vào tháng 10/2014; và lần tiếp theo vào tháng 11/2019. Nguyên nhân bác bỏ đơn được nêu là vì tòa án Hoa Kỳ xác định không có thẩm quyền xét xử.
Sau đó, đơn kháng cáo đã được nộp lại bởi nguyên đơn vào ngày 22/12/ 2019.
Vào ngày 21/7/ 2022, một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ Khu vực 9 đã đưa ra ý kiến chung bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới. Theo đó, Tòa phúc thẩm xác định tòa án Hoa Kỳ có quyền tài phán đối với vụ kiện và các thủ tục xét xử về nội dung khiếu kiện cần được tiến hành.
Ngày 2/9/2022, Tập đoàn đã đệ đơn lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ Khu vực 9 để yêu cầu việc thực thi quyền tài phán, nhưng đã bị tòa án này bác vào ngày 30/11/2022. Đơn yêu cầu của Tập đoàn đã bị Tòa án Tối cao từ chối vào ngày 30/5/2023.
>> Đổ tiền vào loạt dự án nghìn tỷ, ông chủ Zalo giờ ra sao?
Ngày 12/12/2023, nguyên đơn đã nộp bản sửa đổi lần thứ ba của Đơn khởi kiện, theo đó bổ sung thêm số lượng bản quyền và bản quyền bổ sung mới so với lập luận. Vào ngày 31/1/2024, Tập đoàn nộp văn bản trả lời cho Đơn khởi kiện sửa đổi lần thứ ba của Nguyên đơn, theo đó Tập đoàn trình bày ý kiến đối với một số nội dung trong Đơn khởi kiện nói trên.
Ngày 18/6/2024, Tập đoàn đã nộp đơn kiến nghị từ chối Đơn khởi kiện nói trên, tuy vậy bên nguyên đơn đã nộp văn bản phản đối đè nghị này vào ngày 8/7/2024.
Phiên điều trần tiếp theo được lên lịch vào ngày 2/8/2024, tuy nhiên tại ngày 29/7/2024, Tòa án đã hoãn phiên điều trần với lý do nhận thấy vấn đề này phù hợp để đưa ra quyết định mà không cần tranh luận, và đưa vấn đề vào diện đệ trình.
Theo VNG, công ty đánh giá rằng sẽ không có khả năng Tập đoàn phải sử dụng số tiền lớn hoặc tài sản khác có thể phát sinh từ kết quả không tích cực của các thủ tục tố tụng trong tương lai. VNG cũng không hy vọng rằng kết quả tố tụng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tin cho thấy, năm 2014, nhà sản xuất, trung tâm phát hành nhạc Lang Van đã khởi kiện VNG do nền tảng Zing MP3 đã phát nhiều bài nhạc có bản quyền của Lang Van mà không được sự cho phép.
Theo đơn kiện, Lang Van cáo buộc trang web Zing.vn (Zing) do VNG sở hữu và điều hành đã sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. Lang Van đòi 150.000 USD cho mỗi lần vi phạm.
>> CEO VNG Lê Hồng Minh: Từ game thủ đến nhà sáng lập công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ky-lan-vng-vnz-vu-bi-kien-ve-ban-quyen-tai-my-keo-dai-chuc-nam-co-bien-moi-156176.html