Ngày 29-5, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm 10 bị cáo từng là các lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM. Từ năm 2015 – 2018, trên cương vị công tác tại CNS, các bị cáo đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 22 tỉ đồng.
Trong đó, các bị cáo quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS gây thất thoát 17,3 tỉ đồng; thoái vốn sai quy định tại TIE (công ty con của CNS) gây thất thoát gần 4,7 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Về sai phạm trong quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của CNS, VKSND Tối cao cáo buộc các bị cáo đã lập 101 hồ sơ chi khen thưởng nhưng không có danh sách ký nhận từ các cá nhân được khen thưởng.
Đồng thời, danh sách nhận khen thưởng cũng không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp của những người này cho CNS theo tiêu chí, điều kiện quy định tại Nghị định 91/2015 quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng, vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Trước toà, bị cáo Đỗ Văn Ngà (cựu kế toán trưởng CNS) khai việc chi khen thưởng được thực hiện theo “lệ” mà các lãnh đạo tiền nhiệm của CNS đã thực hiện.
Theo đó, CNS đã chi khen thưởng theo danh sách mà các Phòng/Ban thuộc CNS đề xuất. Lý do, những đơn vị đề xuất danh sách khen thưởng (những cá nhân này không thuộc CNS) là những người làm việc trực tiếp với những cá nhân có thành tích, đóng góp cho CNS. Do đó, những đơn vị này sẽ đánh giá chính xác thành tích, đóng góp của các cá nhân được đề xuất.
Cựu kế toán trưởng CNS nói đây là cách làm đã được CNS thực hiện từ khi thành lập vào năm 2006 đến thời điểm các bị cáo bị bắt.
Xét hỏi bị cáo Ngà, HĐXX cho rằng các bị cáo đã chi khen thưởng cho Phòng/Ban đề xuất chứ không phải chi cho những người nằm trong danh sách được đề xuất khen thưởng. Bằng chứng là các bị cáo đã không cung cấp được danh sách ký nhận khen thưởng của những người được khen.
“Chính vì cách chi của các bị cáo mà những người mà các bị cáo cho là được khen không nhận được quà, tiền. Như vậy, số tiền mất đi hiện đang nằm trong túi người nhận (người đề xuất khen thưởng – PV) chứ không phải người được khen? Theo kết quả điều tra, những người được khen thưởng không nhận được bất cứ “miếng quà nào” từ CNS?” – chủ tọa hỏi.
Bị cáo Ngà vẫn cho rằng những người được khen thưởng theo danh sách đã thực sự nhận được tiền.
Trả lời HĐXX, bị cáo Chu Tiến Dũng (cựu Tổng Giám đốc CNS) thừa nhận cách chi khen thưởng như bị cáo Ngà đã nêu.
HĐXX hỏi tại sao bị cáo nhận thức được đây là cách làm không phù hợp pháp luật mà vẫn làm. Bị cáo Dũng trả lời việc chi như trên đã được các đời lãnh đạo trước thực hiện: “Không ai chỉ cho các bị cáo thấy cái sai, lãnh đạo trước vẫn làm như thế nên cứ nghĩ là đúng nên cứ làm theo” – bị cáo Dũng trần tình.
Chủ tọa phiên xử nhận định rằng bị cáo kỳ vọng sẽ chi cho các đơn vị, cá nhân ở ngoài để họ giúp mình phát triển nhưng tiền không đến tay họ. Đáng lẽ phải kiểm tra xem họ mang lại hiệu quả gì cho CNS thì mới chi thậm chí phải kiểm tra giấy tờ cá nhân của họ, tránh trường hợp tiền không đến tay đúng người. Đây chính là lỗ hổng làm thất thoát tiền của nhà nước.
Nghe HĐXX phân tích, bị cáo Dũng nói rằng bị cáo rất đau lòng, ân hận vì chưa sâu sát trong công tác quản lý, hiểu biết về pháp luật chưa đầy đủ nên mới để xảy ra những sai phạm như hôm nay.
“Bị cáo gửi lời xin lỗi chân thành đến các anh em đồng nghiệp CNS” – bị cáo Dũng nói và cho hay đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả vụ án 200 triệu đồng.