Vào tháng 4/2023, đã có 6 tỷ phú Việt Nam chính thức được xướng tên trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với tổng tài sản 12,6 tỷ USD. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trần Đình Long (Hòa Phát), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air & HDBank), ông Hồ Hùng Anh (Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group) và ông Trần Bá Dương & gia đình (Thaco).
Theo thống kê, năm 2022, các doanh nghiệp của 6 vị tỷ phú này đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 98.500 tỷ đồng.
Vingroup
Luôn nằm trong top doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đóng 44.916 tỷ đồng vào ngân sách trong năm 2022. Trong đó, riêng tiền sử dụng đất, thuê đất, nghĩa vụ hợp đồng xây dựng – chuyển giao đã chiếm đến hơn 31.500 tỷ đồng.
Đây là số nộp ngân sách cao kỷ lục của Vingroup, gấp 1,7 lần số năm ngoái (nộp 26.213 tỷ). Chủ yếu đến từ hai dự án đại đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mà Vinhomes – công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư. Theo số liệu của Cục thống kê Hưng Yên, 8 tháng đầu năm 2022, dự án Dream City (The Empire Vinhomes Ocean Park 2) và Khu đô thị Đại An đã nộp tổng cộng 34.867 tỷ đồng vào ngân sách, tương đương riêng 2 dự án của Vingroup đã chiếm gần 80% số tiền sử dụng đất tỉnh Hưng Yên thu được.
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, Chủ tịch Vingroup đang là người giàu nhất Việt Nam với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 677 thế giới.
Thaco
Đứng thứ 2 về nộp ngân sách trong năm 2022 là Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.
Thaco đã nộp tổng cộng 30.712 tỷ đồng trong năm 2022. Riêng tại Quảng Nam, vốn được xem như “con sếu đầu đàn” của khu kinh tế mở Chu Lai, ước tính số tiền thuế Thaco đã nộp cho Quảng Nam là hơn 24.500 tỷ đồng, trong khi số thu ngân sách nhà nước của tỉnh này năm ngoái là 26.150 tỷ đồng.
Năm 2023, Thaco đặt mục tiêu nộp ngân sách 35.000 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách tại Quảng Nam là 26.800 tỷ đồng (gồm 18.100 tỷ đồng thuế nội địa và 8.700 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu), tăng 9% so với năm 2022 là 24 nghìn tỷ đồng.
Tỷ phú Trần Bá Dương & gia đình được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện ông sở hữu tài sản 1,5 tỷ USD, xếp thứ 4 Việt Nam và 1975 thế giới.
Hòa Phát
Năm 2022, Hòa Phát đã nộp 11.243 tỷ đồng vào ngân sách, trong đó thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là khoản đã đóng nhiều nhất (hơn 8.200 tỷ đồng).
Năm 2021, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long nộp 12.689 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và là mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Vốn hóa Hòa Phát hiện tương đương 120.947 tỷ đồng. Ông chủ Hòa Phát hiện là tỷ phú giàu thứ 3 Việt Nam với tài sản 1,8 tỷ USD.
Techcombank
Techcombank nộp 4.846 tỷ đồng vào ngân sách trong năm 2022. Giai đoạn 3 năm 2020 – 2022, Techcombank đã nộp tổng cộng 15.466 tỷ đồng vào ngân sách.
Techcombank hiện là một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam với mức vốn hóa khoảng 103.492 tỷ đồng.
Chủ tịch Techcombank – ông Hồ Hùng Anh hiện đang đứng thứ 5 trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam với khối tài sản 1,5 tỷ USD và đứng thứ 2002 thế giới.
Masan Group
Tập đoàn Masan của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nộp thuế 4.874 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó thuế giá trị gia tăng là hơn 1.400 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 919 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 682 tỷ đồng,…
Năm ngoái, tập đoàn này đóng 5.452 nghìn tỷ vào ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang hiện đang đứng thứ 6 trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam trên Forbes. Ông sở hữu tài sản 1,2 tỷ USD, đứng thứ 2348 thế giới. Ngoài ra vai trò lớn ở Masan, ông hiện còn là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Vietjet Air & HDBank
Đều thuộc sự dẫn dắt của nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Việt Nam – bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhưng Vietjet Air và HDBank lại có sự chênh lệch lớn trong khoản thuế nộp cho Nhà nước năm ngoái với lần lượt 657 tỷ đồng và 1.867 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số của Vietjet đã cao gấp 12 lần so với năm trước đó (năm 2021 Vietjet chỉ đóng thuế 55 tỷ đồng). Lí do Vietjet giảm nộp thuế là do ngành hàng không bị “đóng băng” trong 2 năm Covid-19 kéo theo kết quả kinh doanh sụt giảm.
Liên quan tới đặc thù hoạt động ngành hàng không, Vietjet có những khoản thu hộ thuế, phí, gián tiếp đóng góp cho ngân sách, cụ thể là phí, lệ phí sân bay, an ninh soi chiếu… chuyển cho ACV, liên qua tới mỗi hành khách thông qua các cảng hàng không, thuế môi trường liên quan xăng dầu… Do vậy năm 2022, tổng số thuế, phí, thu hộ trực tiếp và gián tiếp này lên tới 4.350 tỷ đồng.
Về HDBank, số nộp ngân sách năm 2022 tương đương với mức nộp năm trước.
Hiện tại, ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT Vietjet Air mới đảm nhiệm, Phó Chủ tịch thường trực HDBank, bà Thảo còn lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khác như Sovico, Hướng Dương Sunny. Bà hiện là người giàu thứ 2 Việt Nam với tài sản 2,2 tỷ USD.
Bầu Đức gửi tâm thư cho 52.806 cổ đông HAGL: Đã sẵn sàng cho tương lai nhưng năm 2023 chỉ duy trì quy mô hiện tại