Tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC đã thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh trong năm qua.
Lợi nhuận VIMC cao kỷ lục với gần 5.000 tỷ đồng
VIMC cho biết doanh thu toàn tập đoàn năm 2024 đạt 24.813 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4.940 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của VIMC và là năm thứ tư liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lãi trên 1.000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 18,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó công ty mẹ đạt mức 25,19 triệu đồng/tháng.
Thành tích này đạt được nhờ sản lượng vận tải biển năm 2024 của đội tàu doanh nghiệp đạt gần 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Sản lượng hàng qua cảng biển đạt 145 triệu tấn, tăng 126% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng container đạt 6,2 triệu Teus, tăng 127% cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, VIMC đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và mở rộng thị phần. Đặc biệt, doanh nghiệp đã phát triển thêm 10 tuyến dịch vụ container mới kết nối với các cảng trọng điểm như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, CMIT, SSIT và mở rộng mạng lưới vận tải trực tiếp đến các cảng châu Âu.
Hệ thống cảng của VIMC hiện cung cấp dịch vụ cho tất cả các hãng tàu thuộc top 10 thế giới, cho thấy sự uy tín và chất lượng dịch vụ vượt trội của tổng công ty trên thị trường quốc tế.
Siêu dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 114.000 tỷ tiến gần phê duyệt
Trong năm qua, VIMC đã đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận hợp tác quốc tế với tập đoàn Mediterranean Shipping Company (MSC) – hãng tàu lớn nhất thế giới. Hai bên đã thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3 và số 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Đặc biệt, VIMC cũng hoàn tất ký kết thỏa thuận liên doanh đầu tư và xây dựng dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đơn vị tham gia liên danh bao gồm Công ty CP Cảng Sài Gòn (thành viên của VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A (TIL) – công ty thành viên của MSC.
Theo thông tin từ VIMC, đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cảng này dự kiến xây dựng tại khu vực cù lao Phú Lợi, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với quy mô rộng 571ha và chiều dài mặt sông 7,2km. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới với sức chở 24.000 Teus (tương đương 250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 113.531 tỷ đồng, được chia thành 7 giai đoạn, hoàn thành vào năm 2045.
Kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một trong những công trình trọng điểm, được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực Đông Nam Á. Cảng sẽ thu hút sự tham gia của các hãng tàu lớn, doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vận tải toàn cầu.
VIMC đặt mục tiêu biến cảng Cần Giờ thành vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế biển Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao vị thế trong lĩnh vực hàng hải khu vực và toàn cầu.
>>Huyện ít dân nhất TP. HCM sở hữu siêu cảng 5,5 tỷ USD định hướng trở thành thành phố sinh thái biển
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/vimc-bao-lai-ky-luc-4-900-ty-san-sang-dua-sieu-cang-114-000-ty-cat-canh-thanh-trung-tam-hang-hai-quoc-te-190560.html