Ngày 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, Vietnam Airlines đặt mức doanh thu khoảng 91.810 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Số chuyến bay hãng hàng không quốc gia thực hiện vào khoảng 132.700 chuyến và lượng khách vận chuyển là 21,5 triệu người, lần lượt tăng 7% và 17,6% so với năm 2022. Con số này phục hồi 91% và 94% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Vietnam Airlines nhận định kết quả kinh doanh trong năm nay có thể sẽ chưa đạt được như kỳ vọng. Theo lý giải từ lãnh đạo doanh nghiệp, đà phục hồi của thị trường hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại từ quý 2/2023.
Hoạt động vận tải hàng không quốc tế phục hồi chậm và vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch; các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao.
Trong nửa sau năm 2023, hoạt động SXKD gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, sự giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào diễn biến bất lợi và khó lường, rủi ro tài chính rất lớn.
Vietnam Airlines trình cổ đông kế hoạch điều chỉnh lại các hoạt động bay để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, các đường bay trọng điểm Trung Quốc như Hà Nội/ TP. HCM – Bắc Kinh/Thượng Hải/Quảng Châu duy trì khai thác tần suất hạn chế 3 – 4 chuyến/tuần và tăng lên 5 chuyến/tuần vào tháng 11/2023. Đến cuối năm 2023, các nhóm đường bay khác về cơ bản phục hồi tần suất như năm 2019.
Bên cạnh đó, theo diễn biến tổng thị trường như trên, Vietnam Airlines điều chỉnh lại tần suất cho phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo cân đối hiệu quả và mục tiêu thị phần đạt trên 42%. Trong đó, duy trì, giữ thị phần chính của Tổng công ty trên các đường bay trục; tiếp tục tăng tải đường bay du lịch; điều hành tải linh hoạt nhằm đảm bảo hiệu quả.
Về mạng đường bay, các đường bay trục, trục lẻ, du lịch và địa phương từ hai trung tâm Hà Nội và Sài Gòn được ưu tiên về nguồn lực cung ứng; các đường bay ngách, các đường bay địa phương từ các trung tâm khác sẽ xếp hạng ưu tiên sau tùy theo tình hình thị trường và nguồn lực.
Đáng chú ý, Vietnam Airlines triển khai xây dưng và báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và sẽ tiến hành các bước thực hiện sau khi được phê duyệt. Trong đó, Vietnam Airlines đã xây dựng đồng bộ các giải pháp, bao gồm tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh. Theo đó các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dẫn, từng bước xóa lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo. Theo Đề án tái cơ cấu 2021-2025, hoạt động thoái vốn đầu tư là một trong các giải pháp trọng tâm bổ sung thu nhập và dòng tiền, giúp Tổng công ty có thể đạt kết quả lợi nhuận dương trong những năm tiếp theo và duy trì quy mô vốn chủ sở hữu ở mức an toàn.
Tuy nhiên, hiện tại việc thoái vốn tại một số đơn vị thành viên vẫn còn tồn tại những vướng mắc trong quá trình thực hiện liên quan đến quy trình, trình tự thủ tục chuyển nhượng vốn. Bên cạnh đó cũng cần có các giải pháp để tháo gỡ về cơ chế chính sách như phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu/chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ…
Vietnam Airlines sẽ kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, đảm bảo tính khả thi của phương án tái cơ cấu, giúp Vietnam Airlines có nguồn bổ sung thu nhập và dòng tiền để duy trì thanh khoản.