Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank- mã chứng khoán CTG) – Chi nhánh Thủ Thiêm (VietinBank Thủ Thiêm) vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần GreenHill Village với giá khởi điểm 410 tỷ đồng.
VietinBank đấu giá khoản nợ của Greenhill Village, khởi điểm 410 tỷ đồng
Khoản nợ của Công ty Cổ phần GreenHill Village tại VietinBank Thủ Thiêm bao gồm toàn bộ giá trị nợ gốc, nợ lãi và lãi phạt, tạm tính đến ngày 14/5/2024 là hơn 495 tỷ đồng. Cụ thể:
- Dư nợ gốc: 392,8 tỷ đồng
- Lãi cộng dồn: 85,7 tỷ đồng
- Lãi phạt quá hạn: 16,5 tỷ đồng
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này bao gồm các quyền lợi liên quan đến dự án khu du lịch nghỉ dưỡng GreenHill Village, nằm tại mặt tiền quốc lộ 1D, tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Giá khởi điểm của khoản nợ là 410 tỷ đồng, thấp hơn tổng dư nợ hiện tại. Việc đấu giá sẽ được tiến hành theo nguyên trạng của khoản nợ, bao gồm cả tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn, theo phương thức “có sao bán vậy”.
Người tham gia đấu giá sẽ được tạo điều kiện tiếp cận và xem xét hồ sơ chi tiết về khoản nợ. Đồng thời, người tham gia sẽ phải chấp nhận mọi rủi ro phát sinh khi mua khoản nợ này. VietinBank Thủ Thiêm và tổ chức đấu giá sẽ không chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng hay tình trạng pháp lý của khoản nợ.
>> VietinBank (CTG) muốn bán khoản nợ liên quan khách sạn Le Pavillon Luxury Resort & Spa tại Hội An
Greenhill Village và bí ẩn đại gia Tạ Hùng Quốc Việt
GreenHill Village từng được nhắc đến trong giai đoạn 1 vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong danh sách tài sản kê biên của vụ án, có 14,5 triệu USD.
Theo kết quả điều tra, khoản tiền 14,5 triệu USD là tiền bà Trương Mỹ Lan đưa cho ông Tạ Hùng Quốc Việt để nhận chuyển nhượng dự án GreenHill Quy Nhơn. Sau khi vụ án bị vỡ lở, ông Tạ Hùng Quốc Việt đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Lan.
Dự án GreenHill Quy Nhơn có quy mô 16,6 ha, gồm 5 phân khu với 500 căn hộ condotel và 148 căn biệt thự. Tháng 9/2022, dự án được điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 230 tỷ đồng lên gần 2.596 tỷ đồng và tiến độ triển khai được kéo dài đến quý II/2024.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bí ẩn ‘đại gia’ Tạ Hùng Quốc Việt và khoản tiền 14,5 triệu USD trả Trương Mỹ Lan
Ông Tạ Hùng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP GreenHill Village, công ty thành lập tháng 4/2018 với vốn điều lệ 627 tỷ đồng.
do ông Tạ Hùng Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Cơ cấu cổ đông gồm ông Tạ Hùng Quốc Việt góp 51%; ông Tạ Hùng Trí và bà Nguyễn Huỳnh Hoa mỗi người góp 24,5%.
Hiện Greenhill Village có vốn điều lệ gần 1.102 tỷ đồng, trong đó ông Tạ Hùng Quốc Việt nắm 61%; 39% còn lại do ông Tạ Hùng Trí và bà Nguyễn Huỳnh Hoa góp.
Tháng 7/2022 Greenhill Village có Tổng giám đốc mới – ông Nguyễn Trung Nghĩa, sinh năm 1985. Đồng thời công ty đổi tên thành Greenhill Luxury Resort trước khi đổi trở về tên Greenhill Village như hiện nay. Ông Nguyễn Thế Hoàng tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT từ tháng 12/2022.
Tháng 5/2021, Greenhill Village đã huy động thành công 2 lô trái phiếu tổng giá trị hơn 383 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm. 2 lô trái phiếu này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản hình thành trong tương lai tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa không có cơ sở xem xét yêu cầu thu hồi 7.000 tỷ từ Bitexco
Hệ sinh thái khủng của ‘đại gia’ Tạ Hùng Quốc Việt
Ngoài Greenhill Village, ông Tạ Hùng Quốc Việt còn là lãnh đạo hoặc cổ đông chính tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực ô tô, tài chính và giáo dục.
Tháng 8/2020, ông sáng lập Tập đoàn GreenHill Village với vốn điều lệ ban đầu hơn 1.292 tỷ đồng, sau đó tăng lên 2.500 tỷ đồng vào tháng 3/2023. Cơ cấu cổ đông gồm ông Tạ Hùng Quốc Việt góp 98%, còn lại 2% chia đều cho ông Tạ Hùng Trí và bà Nguyễn Quỳnh Hoa.
Một số doanh nghiệp nổi bật khác trong hệ sinh thái của ông Tạ Hùng Quốc Việt bao gồm: CTCP Diệp Hoàng Phát và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Việt Tài Chính. Ông cũng sở hữu cổ phần chi phối tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Trí tuệ Nhân tạo – Viện Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Đại học Quy Nhơn.
-CTCP Diệp Hoàng Phát, thành lập tháng 7/2010 với vốn điều lệ ban đầu 4 tỷ đồng. Tháng 7/2022, ông Nguyễn Trung Nghĩa tiếp quản vị trí Giám đốc; cơ cấu cổ đông thay đổi, trong đó ông Tạ Hùng Quốc Việt nắm 90%; 2 cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thu nga (9%) và ông Nguyễn Trung Nghĩa (1%). Đến tháng 6/2023, ông Tạ Hùng Quốc nắm 99% vốn điều lệ, là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.
Về tay ông Tạ Hùng Quốc Việt, công ty Diệp Hoàng Phát cũng thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh, từ buôn bán nông lâm sản… sang buôn bán máy móc, ô tô và xe có động cơ…
-Ông Tạ Hùng Quốc Việt còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn đầu tư Trí tuệ nhân tạo – Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ – Đại học Quy Nhơn. Công ty có vốn điều lệ 568 tỷ đồng.
– Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Tài Chính thành lập tháng 4/2017 do ông Nguyễn Anh Minh làm Giám đốc, ông Dương Ngọc Huy là Chủ tịch HĐTV, vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông ban đầu do ông Dương Ngọc Huy nắm 99% và ông Tạ Hùng Quốc Việt chỉ góp 1%. Tuy vậy tháng 9/2017 ông Tạ Hùng Quốc Việt nâng tỷ lệ sở hữu lên 55%; ông Nguyễn Quang Việt nắm 40%; 5% còn lại thuộc về ông Nguyễn Anh Minh.
Bất ngờ nhất là tháng 10/2020 vừa qua, công ty tài chính giảm vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 5 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không đổi.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: ‘Biến’ mới tại siêu dự án tứ giác Bến Thành, số tiền 7.000 tỷ sẽ ra sao?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/vietinbank-ctg-rao-ban-khoan-no-cua-dai-gia-ta-hung-quoc-viet-lien-quan-vu-van-thinh-phat-171726.html