“Tôi gia nhập Intel ngay khi mới tốt nghiệp Đại Học 37 năm về trước. Khi nhìn lại sự nghiệp 37 năm đã qua, Việt Nam chính là điểm nhấn cho toàn bộ sự nghiệp của tôi”, ông Kim Huat Ooi – Phó Chủ tịch phụ trách Sản xuất, Chuỗi cung ứng & Vận hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam – chia sẻ.
Intel vừa rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm qua, nâng tổng mức đầu tư sau 16 năm hoạt động lên gần 1,5 tỷ USD. Con số rót mới nhằm phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số và nằm trong tổng mức 80 tỷ USD đầu tư của Intel trên toàn thế giới.
“Intel đang có 10 địa điểm sản xuất trên toàn cầu. Và nhà máy Intel Products Vietnam đang là nhà máy lớn nhất trong 4 nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định ”, vị này nói. Trong hơn 200 nhà cung cấp địa phương tại Việt Nam có đến 50% là doanh nghiệp nội địa.
Được biết, nhà máy Intel Products Vietnam nằm trong chiến lược IDM 2.0 và “4 năm, 5 tiến trình” mà CEO Pat Gelsinger công bố vào năm 2021. Tính đến nay IPV cho biết đã xuất xưởng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm.
Trong quý 1/2023, Intel công bố chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP), 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện/điện tử của cả nước, và khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tp.HCM.
Theo đánh giá của đại diện Intel, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất Asean vào năm 2022 với mức tăng trưởng GDP hơn 8% so với năm trước. Thị trường máy tính tại Việt Nam được trông chờ sẽ khôi phục trong nửa cuối năm 2023. Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, và sản xuất.
Dưới góc nhìn tổng thể, Intel đánh giá Việt Nam gây ấn tượng với vai trò là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thu hút được dòng vốn ngoại – đây chính là cơ sở thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên nhất.
Ông Kim Huat Ooi nhấn mạnh Việt Nam đã phát triển hưng thịnh hơn rất nhiều so với 17 năm trước. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm cơ hội.
Khi được hỏi ý kiến về việc liệu Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chip của khu vực hay không, đại diện Intel nói: “Việt Nam đang có những tham vọng rất lớn. Chúng ta đã nghe câu chuyện về Thung lũng Silicon và cũng đã nghe về thiết kế chip. Đối với tôi, đây cũng sẽ là bước tiếp theo để chúng ta có thể đi tiếp và sâu hơn vào những bước cao hơn của chuỗi giá trị. Trong tương lai, tôi nghĩ việc sản xuất thiết bị bán dẫn không còn là mong ước xa vời nữa. Đương nhiên đây cũng sẽ là những khoản đầu tư khá tốn kém. Nhưng theo thời gian, việc này vẫn sẽ khả thi”,
Theo ông, ngày nay mọi quốc gia, mọi ngóc ngách trên thế giới đều cần đến chất bán dẫn. Do vậy, mỗi quốc gia nên tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt để tối đa hóa ưu điểm nhằm tạo ra được lợi thế cạnh tranh.
Vị này cũng có nhìn nhận lạc quan về nhân lực hiện tại. Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam, dù có rất nhiều cử nhân nhưng những nhân sự ở cấp độ cao hơn như Thạc sĩ hay Tiến sĩ lại không nhiều. Trong khi lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng cao hơn. Nhưng đây theo ông Kim Huat Ooi lại là một cơ hội tốt, bởi vì dân số Việt Nam rất lớn. Chỉ cần một lượng lớn nhân sự tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt cũng có thể mang đến lợi ích lớn cho quốc gia, cũng như các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại đây.
Được biết, Chính phủ cũng đã có kế hoạch đầu tư thêm để phát triển điện lực Việt Nam nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Trong đó, từ ngày đầu vào Việt Nam, Intel đã đưa ra Chương trình Liên minh giáo dục kỹ thuật đại học (HEEAP 2.0) hợp tác với trường ASU (Arizona State University) và đầu tư đến 22 triệu USD cho các hoạt động xã hội, giáo dục, cộng đồng.