Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với lợi nhuận sau thuế đột biến đạt 125 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, kết quả này lại không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ tất toán nợ và được ngân hàng miễn giảm lãi vay.
Doanh thu sụt giảm mạnh do thoái vốn
Trong kỳ, doanh thu thuần của Đức Long Gia Lai đạt gần 217 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do tập đoàn đã thoái vốn khỏi công ty con Mass Noble – một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có trụ sở tại Virgin Islands vào quý III/2024.
Nhờ tiết giảm giá vốn hơn 110 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 60 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 61 tỷ đồng xuống còn 20,2 tỷ đồng, do ghi nhận khoản lỗ 43 tỷ đồng liên quan việc thoái vốn công ty con. Chi phí tài chính cũng giảm đáng kể từ 79,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 49,6 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao 224 tỷ đồng khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 193 tỷ đồng. Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai bất ngờ ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới 315,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc tất toán nợ gốc và được ngân hàng miễn giảm lãi vay. Đây là yếu tố quan trọng giúp tập đoàn đạt lợi nhuận sau thuế đột biến trong quý IV.
Trước đó, trong quý III/2024, tập đoàn cũng ghi nhận lãi sau thuế ấn tượng 64 tỷ đồng, phần lớn nhờ doanh thu tài chính đột biến từ việc thoái vốn Mass Noble, mang về gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đạt lãi lớn trong hai quý liên tiếp, Đức Long Gia Lai vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 2.450 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai thoát án phá sản
Tháng 7/2024, Đức Long Gia Lai cho biết Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Công ty cổ phần Lilama 45.3 (gọi tắt là Lilama). Ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng Giám đốc Đức Long Gia Lai, thừa nhận có nợ tiền tỷ Lilama. Theo bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, Đức Long Gia Lai phải trả cho Lilama nợ gốc hơn 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán hơn 2,3 tỷ.
Tuy nhiên, Đức Long Gia Lai đã nộp đơn đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định. Sau khi đánh giá quá trình hoạt động của công ty, Tòa án cấp cao đã hủy bỏ quyết định mở thủ tục phá sản, cho rằng Đức Long Gia Lai vẫn có khả năng thanh toán và thể hiện thiện chí trả nợ.
Nguy cơ hủy niêm yết nếu tiếp tục bị kiểm toán lưu ý
Trong các năm trước, do kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, Đức Long Gia Lai thường xuyên bị đơn vị kiểm toán bày tỏ ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và bị HOSE đưa vào diện kiểm soát. Kết thúc năm 2024, tập đoàn đã ghi nhận lãi ròng 211 tỷ đồng, cải thiện tốt so với khoản lỗ 594 tỷ đồng năm 2023.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số chưa được kiểm toán. Nếu báo cáo kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến ngoại trừ, cổ phiếu DLG sẽ đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HOSE. Điều này đặt ra thách thức lớn cho tập đoàn trong nỗ lực phục hồi và duy trì niêm yết trên thị trường chứng khoán.
>>Thêm doanh nghiệp nhóm Gia Lai có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tung-bi-yeu-cau-pha-san-vi-no-tien-ty-duc-long-gia-lai-dlg-bat-ngo-bao-lai-cao-ky-luc-196785.html