PGS.TS Nguyễn Thị Hòe được xem là một nữ cường nhân của giới kinh doanh TP.HCM. Người phụ nữ gánh vác việc nuôi nhiều con mọn từ lúc trẻ, đã kiên cường vươn lên gây dựng được giang sơn riêng và nuôi dạy con cái trở thành những người thành đạt – doanh nhân giỏi của đất nước.
Tập đoàn Sơn KOVA được tự tay bà Nguyễn Thị Hòe gầy dựng. “Kết hôn sớm, tới năm 20 tuổi khi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi phải đèo bòng theo 3 con lên giảng đường. Lúc đó, đứa nhỏ nhất 9 tháng và lớn nhất là 3 tuổi. Hiện tại, 3 người con của tôi đều là những doanh nhân giỏi giang và đang điều hành 3 công ty tại KOVA“, bà Nguyễn Thị Hòe chia sẻ trong sự kiện tổ chức KOVA Prize lần thứ 21 vừa qua.
Trong thành phần Ban Giám đốc của Tập đoàn Sơn KOVA, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của 4 người họ Ngô là Ngô Sỹ Quang – Tổng Giám đốc KOVA Hà Nội, Ngô Sỹ Tuyên – Giám đốc KOVA Malaysia, Ngô Thị Ái Linh – Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn sơn KOVA và Nguyễn Duy – Tổng Giám đốc KOVA Trading. Theo đó, ông Ngô Sỹ Tuyên và bà Ngô Thị Ái Linh là 2 trong 3 người con ruột của bà Hòe và Nguyễn Duy là cháu ruột.
Cách đây vài năm, sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh, Nguyễn Duy – thế hệ F2, sau khi thử sức ở vị trí CEO KOVA Singapore, đã trở về Việt Nam để thành lập công ty KOVA Trading chuyên phân phối chính sản phẩm sơn mà bà ngoại và cha mẹ mình nghiên cứu sản xuất.
“KOVA đang có 12 công ty, hoạt động ở 7 thị trường ngoài Việt Nam là Đức, Campuchia, Malaysia, Singapore, Nga, Indonesia, Mỹ. Năm nay, lãnh đạo ở của KOVA ở các nước đều về Việt Nam để tham dự KOVA Prize, trừ thị trường Nga do chiến tranh. Hiện tại hàng hóa của KOVA từ TP.HCM xuất sang Nga vẫn đang nằm ở trong kho bãi ở bến cảng nhiều.
Chúng tôi cũng vừa xây dựng xong một nhà máy sản xuất sơn nano lớn tại Tây Ninh và sắp làm lễ khánh thành“, Chủ tịch Tập đoàn KOVA chia sẻ tiếp.
Vì xuất phát điểm thấp, nên bà Hòe vẫn luôn cố gắng duy trì giải thưởng – học bổng của KOVA Prize, như một cách ‘đáp đền tiếp nối’ cho xã hội. Toàn bộ nguồn kinh phí vận hành Giải thưởng được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của các công ty sơn KOVA. Ngoài giá trị giải thưởng/ học bổng bằng tiền, Giải thưởng còn hỗ trợ các chi phí đi lại, khách sạn cùng nhiều hoạt động khác cho người đạt giải, đặc biệt là sinh viên.
“Tôi có thể hứa với mọi người rằng, KOVA Prize sẽ không biến mất mà sẽ tồn tại mãi mãi. Sau này có thể tôi già và chết đi, song chắc chắn con cháu của tôi và Tập đoàn KOVA sẽ tiếp tục thực hiện công việc này của tôi.
Trong 20 lần trao giải trước, có những lúc chúng tôi cũng phạm sai lầm. Có những lúc KOVA Prize đã không trao được tới người cần trao và ngược lại, tuy nhiên sau khi nhận ra các sự nhầm lẫn, chúng tôi đã lập tức sửa chữa. Vậy nên, nếu mọi người cảm thấy chúng tôi có chỗ nào chưa chu toàn, có thể góp ý thẳng thắn.
Tôi đã từng hứa sẽ tổ chức KOVA Prize ở các nước khác – nhất là ở các thị trường mà Tập đoàn đang sản xuất và kinh doanh, nhưng rất tiếc là năm nay chúng tôi vẫn chưa làm được. Ở các nước giàu đó, sinh viên không cần học bổng, nên chúng tôi dự tính sẽ hỗ trợ các sinh viên khởi nghiệp hoặc nhà nghiên cứu khoa học.
Có thể nói, KOVA Prize không quá khó để tiếp cận như các học bổng khác. Ví dụ: ở trường Đại học và địa phương gửi danh sách lên bao nhiêu, chúng tôi sẽ tiếp nhận bấy nhiêu chứ không hạn chế số lượng. Chỉ cần lúc thẩm tra, tất cả các em sinh viên trong danh sách đều học giỏi nhưng có gia cảnh khó khăn là đủ. Hơn nữa, học bổng của KOVA không chỉ trao 1 năm mà có thể liên tiếp nhiều năm.
Tôi cũng mong là càng ngày càng có thêm nhiều em sinh viên khởi nghiệp hay các nhà khoa học Việt Nam gửi dự án tới tham gia KOVA Prize, để chúng tôi có thể hỗ trợ, giúp đỡ, vinh danh những người xứng đáng được vinh danh“, Chủ tịch Tập đoàn KOVA tiết lộ.