Trong tập mới nhất của Shark Tank Việt Nam, startup về cung ứng lao động đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Shark Hưng, khiến các Shark khác phải nhường quyền đàm phán. Mô hình cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI, không chỉ giải quyết vấn đề thiếu việc làm tại vùng cao mà còn mang lại giá trị nhân văn cao cho xã hội.
Tại nhiều vùng cao của Việt Nam, vấn đề thiếu việc làm đang trở thành thách thức lớn, do điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt và cơ sở hạ tầng kém phát triển. Điều này đã khiến nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định. Trước tình hình đó, anh Nguyễn Tuyên Huấn, CEO & Founder Công ty Cổ phần Cung ứng và Đào tạo Nhân lực Việt Nam, đã phát triển mô hình cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp FDI, giúp giải quyết vấn đề này.
Anh Huấn tự hào chia sẻ với các Shark: “Công ty chúng tôi đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người dân vùng cao, giữ vững đội ngũ nhân viên và không để mất bất kỳ khách hàng nào”. Công ty của anh đã ghi nhận doanh thu ấn tượng, từ 9 tỷ đồng vào năm 2021, tăng lên 65 tỷ đồng vào năm 2023 và dự kiến đạt 120 tỷ đồng vào năm 2024.
Doanh nghiệp hiện tại cung ứng 100% lao động phổ thông cho 97% khách hàng là các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp, với khoảng 1.800 lao động và hơn 30 khách hàng. Với những con số ấn tượng này, anh Huấn kỳ vọng có thể kêu gọi được 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty.
>> Startup công nghệ ‘cục đất, cái cây cũng biết nói năng’ khiến Shark Hưng và Shark Thái phải cạnh tranh
Shark Minh Beta đặt câu hỏi về cách tính chi phí và phần chênh lệch giữa chi phí trả cho người lao động và số tiền thu được từ đối tác. Chia sẻ rất chi tiết và rõ ràng, anh Huấn cho biết: “Cách tính chi phí sẽ phụ thuộc vào hợp đồng với khách hàng, ví dụ họ thuê người bên em, họ trả tiền cho em theo giờ, thì em sẽ tùy thuộc vào vùng người ta đang đặt, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, chuyên cần, đi lại,…”. Với dịch vụ cho thuê lao động, phần chênh lệch sẽ vào khoảng 10-12%, trong khi dịch vụ môi giới lao động sẽ nhận từ 10-15% trên tổng thu nhập của người lao động trong 90 ngày.
Trăn trở về tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, Shark Bình bày tỏ: “Theo tôi được biết là các nhà máy gần đây thì họ đưa automation, tự động hoá vào khá nhiều, nên nhu cầu về công nhân có vẻ như ngày càng suy giảm. Doanh nghiệp của bạn tôi thấy còn đang khá thủ công, truyền thống, việc kêu gọi vốn và sử dụng vốn như thế nào tôi còn đang băn khoăn”.
Trước lo ngại này, CEO Cung ứng và Đào tạo Nhân lực Việt Nam tự tin cho rằng ít nhất 5 – 10 năm tới, các nhà máy vẫn cần rất nhiều người lao động. Anh giải thích, để tạo ra được máy móc làm được những công việc giống như con người ở một giai đoạn nhất định thì chi phí đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí thuê người lao động tại Việt Nam làm ở đây.
Dù mô hình này mang lại nhiều giá trị nhân văn, Shark Bình và Shark Lê Mỹ Nga đã quyết định không đầu tư do không phù hợp với khẩu vị của họ. Tuy nhiên, Shark Hưng, với kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đã đưa ra đề nghị đầu tiên: 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần.
Như vậy, các Shark khác đều đưa ra quyết định không tham gia vào thương vụ và Shark Hưng nghiễm nhiên giành được “độc quyền” đàm phán. Ông dí dỏm: “May quá, mình không phải rút ra khỏi vé vàng mà mình giành được vé vàng”.
Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners cho rằng ông đang đưa ra mức offer dựa trên định giá của công ty: “Vốn chủ sở hữu là 9 tỷ, thực góp 4 tỷ. Thế tôi định giá đúng còn gì nữa, bạn 4 tỷ, tôi 2 tỷ thì tôi 30% bạn 70% thì chuẩn, đúng quá rồi”. Tuy nhiên, CEO Cung ứng và Đào tạo Nhân lực Việt Nam cho rằng công ty đã kinh doanh được một thời gian và cũng đã có kết quả nên mong muốn thương lượng mức cổ phần dưới 20%.
Trước tình huống này, vị “Cá Mập” gắn bó với Shark Tank Việt Nam 7 mùa lại tiếp tục hóm hỉnh: “Nếu tôi nói 30% là không giống tôi lắm vì tôi thích mức 36% cơ… Tôi cho anh hai offer mới. 2 tỷ cho 18% hoặc 3 tỷ cho 25% cổ phần”.
Shark Hưng cho rằng mức định giá này hoàn toàn hợp lý dựa trên vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời của công ty. Tuy nhiên, anh Huấn mong muốn thương lượng mức cổ phần dưới 20%. Sau những tràng cười và lời khuyên “nhẹ tay”từ các Shark khác, cuối cùng Shark Hưng đã chốt thương vụ với mức thỏa thuận 3 tỷ đồng cho 21% cổ phần.
>> Nữ CEO gọi vốn cho startup đồ thể thao, được 3 cá mập săn đón, Shark Bình vội sửa deal
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/trung-khau-vi-shark-hung-chot-deal-3-ty-cho-21-co-phan-startup-ve-cung-ung-lao-dong-152267.html