Trong khuôn khổ sự kiện Tech Fest Vĩnh Phúc 2024, Toyota Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô. Đây là một phần trong các hoạt động thuộc Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo thỏa thuận, Toyota và UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp triển khai từ năm 2025-2027 các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ ô tô và ô tô điện hóa. Hai bên sẽ kết nối đội ngũ chuyên gia tư vấn, tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ xúc tiến sản xuất và giới thiệu doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.
Bên cạnh đó, Toyota cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc xúc tiến đầu tư tại chỗ và tại Nhật Bản, tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp địa phương, đồng thời phối hợp xây dựng bộ tiêu chí sàng lọc, lựa chọn nhà cung cấp tiềm năng.
Ông Nakano Keita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam. Với triết lý ‘phát triển con người trước khi sản xuất ô tô’, Toyota cam kết đồng hành bền vững cùng Việt Nam, không ngừng nỗ lực đáp ứng mục tiêu Net Zero và mang lại giải pháp di chuyển cho tất cả mọi người”.
>> Việt Nam đón nhà máy chế biến thịt bò mát đầu tiên, đặt tại tỉnh ‘bé hạt tiêu’ sát Hà Nội
Trước đó, Toyota Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức lễ tổng kết hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2024. Đây là năm thứ năm Toyota thực hiện chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà lắp ráp ô tô.
Năm nay, Toyota đã hỗ trợ trực tiếp 5 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại Sigma Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa An, Nhà máy Z131 và Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam. Chuyên gia Toyota đã tư vấn tại hiện trường, cải tiến quy trình sản xuất và đạt được những kết quả đáng kể như tiết kiệm 1.424m2 diện tích nhà xưởng, giảm 31,5 nhân lực và cắt giảm 310km/tháng quãng đường di chuyển.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, nhân dịp kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam, công ty cam kết tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nước.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy địa phương có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Với diện tích 1.371km2, Vĩnh Phúc là tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước.
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (trong đó chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô xe máy, linh kiện điện tử…) để trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay ở Vĩnh Phúc có nhà máy Toyota Vĩnh Phúc, nhà máy Honda Vĩnh Phúc, hay như hồi tháng 5/2023 đã khởi công nhà máy lắp ráp động cơ ô tô và xe máy Polaris Việt Nam…
>> Đối tác của tỷ phú Elon Musk rót vốn vào hai tỉnh cửa ngõ Thủ đô
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/toyota-cam-ket-ho-tro-vinh-phuc-voi-triet-ly-phat-trien-con-nguoi-truoc-khi-san-xuat-o-to-187044.html