Ông Lê Thanh Thản khai không nhớ về dự án sai phạm
Sáng 10/8, sau hơn 1 giờ công bố cáo trạng, bị cáo Lê Thanh Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) là người đầu tiên được gọi lên bục khai báo.
Trả lời HĐXX, ông Thản nhiều lần nói “tôi không nhớ”, “không biết” về dự án CT6 Kiến Hưng có sai phạm.
Về quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND tỉnh Hà Tây (cũ), nay là UBND TP Hà Nội phê duyệt, ông Thản khẳng định quy hoạch này là đúng.
Ông khai thêm, theo quy hoạch 1/500, doanh nghiệp của ông được phép xây dựng ba lock gồm C1, C2, C3. Trong đó, lock hai là khách sạn, văn phòng cho thuê. Thời điểm đó, bị cáo và công ty nghĩ không làm được khách sạn, nên đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép chuyển công năng sang xây căn hộ. Sau khi xin phép, doanh nghiệp của ông Thản bắt tay vào làm ngay mà không chuẩn bị các thủ tục tiếp theo nên dẫn đến sai phạm như bây giờ.
“Ngoài sai công năng có sai kết cấu xây dựng không”, Chủ tọa hỏi. Ông Lê Thanh Thản khẳng định không sai về mặt kết cấu, diện tích xây dựng.
“Theo phê duyệt như thế, Công ty Bemes của ông đã xây hai công trình bao nhiều tầng”, Chủ tọa tiếp tục truy vấn. Ông Thản đáp: “Tôi không nhớ lắm”.
Theo lời Chủ tọa, trong giai đoạn dự án triển khai, UBND TP Hà Nội không đồng ý với các văn bản thay đổi chi tiết quy hoạch. Về vấn đề này, ông Thản cho rằng, khi nhận được các văn bản phản hồi thì công trình thi công đã dần hoàn thiện và bàn giao cho dân.
“Tôi nghĩ lúc đó đã xong rồi nên không nghĩ gì thêm”, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh nói.
Ông Thản còn khai thêm, phía Công ty ông bắt đầu ký hợp đồng chuyển nhượng căn hộ cho cư dân từ khi xong phần móng, đến khi hoàn thiện tòa nhà cũng là lúc bàn giao xong toàn bộ. Quá trình chuyển nhượng căn hộ, ông Thản khẳng định công ty đã làm đúng các quy trình.
“Hiện chúng tôi tiếp tục cố gắng, đề nghị với quý tòa và UBND TP Hà Nội giúp chúng tôi hoàn thành thủ tục pháp lý”, ông Thản bày tỏ.
Về cáo buộc thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng, ông Thản cho rằng chưa hợp lý lắm. Bị cáo lý giải công ty đã nộp 60 tỷ đồng tiền sử dụng đất, 60 tỷ đồng tiền hóa đơn cùng 50 tỷ đồng mua dự án. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp bỏ vật liệu ra để xây dựng. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét tình tiết này.
Khi chủ tọa hỏi phương án giải quyết, ông Thản nói hiện nay, phía bị cáo đã thỏa thuận thanh toán tiền cho 13 hộ dân dựa trên hợp đồng chuyển nhượng. Doanh nghiệp đang cố gắng tiếp tục khắc phục bằng cách đề nghị chính quyền Hà Nội giữ lại các căn hộ, còn công ty sẽ đàm phán các thủ tục tiếp theo.
Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung
Sau phần xét hỏi ông Thản, bà Đinh Thị Nguyệt (cư dân mua nhà) cho biết, thời điểm lên Công ty ký hợp đồng mua căn hộ, bà được người của doanh nghiệp giải thích sẽ cấp “sổ đỏ”. Trong hợp đồng cũng nêu phía chủ đầu tư sẽ hỗ trợ việc này.
“Người dân chúng tôi nhiều năm qua không thể thế chấp nhà cho ngân hàng, cũng không thể đăng ký cho con đi học vì xây sai phạm không được đăng ký hộ khẩu; căn hộ chúng tôi mua từ năm 2011 đến nay đã hơn 10 năm, gây quá nhiều thiệt hại… Chính vì thế tôi mong tòa xem xét giải quyết dứt điểm quyền lợi cho chúng tôi mà không tách một vụ án dân sự khác để tránh mất thời gian”, chị Nguyệt nói.
Theo chị Nguyệt, trong đơn yêu cầu bồi thường gửi đến tòa án, chị đã trình bày rõ phải bồi thường giá trị căn hộ ở mức 25.5 triệu đồng/m2, tương đương với giá trị các khu nhà bên cạnh.
Ngoài ra, chị này cũng đề nghị phía công ty bồi thường thiệt hại về tinh thần trong hơn 10 năm qua, bồi thường về chi phí nội thất đã thiết kế.
Khác với chị N, một cư dân đề nghị bị cáo bồi thường ở mức giá khác cao hơn, ở mức 34 triệu đồng/m2. Người này cho rằng tòa CT6C ở vị trí thuộc quận Hà Đông, đẹp hơn các tòa khác, nên phải bồi thường mức giá cao hơn.
Còn một người mua lại nhà tại CT6C cho biết, năm 2017, ông mua lại căn hộ tại CT6C Kiến Hưng với giá hơn một tỷ đồng. Tại tòa, bị hại này đề nghị bị cáo bồi thường số tiền ông đã nhận chuyển nhượng nhà.
Trước những đề nghị trên, Chủ tọa đề nghị ông Thản nêu quan điểm. Đứng trước tòa, vị “đại gia điếu cày” hứa hẹn sẽ tiếp tục thỏa thuận, đàm phán với cư dân mức bồi thường hợp tình, hợp lý.
Nhận thấy một số vấn đề chưa thể làm rõ được tại tòa, HĐXX đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ngoài việc trả hồ sơ, HĐXX cũng đề nghị những người liên quan tiếp tục cung cấp chứng cứ cho cơ quan tố tụng để phục vụ quá trình điều tra này.
Theo thông báo từ thư ký phiên tòa, có 143 người dân trên tổng số 504 người mua nhà của ông Lê Thanh Thản, có mặt tại tòa với tư cách bị hại.