Landmark 72 với chiều cao 336m, gồm 72 tầng nổi và hai tầng hầm, được khánh thành vào năm 2012 và trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam thời điểm đó. Tòa nhà là một phần của khu phức hợp Keangnam Landmark, được xây dựng bởi SM Keangnam Enterprises – một công ty xây dựng Hàn Quốc – với tổng diện tích sàn lên tới 608.946 m2. Khu phức hợp này bao gồm cả hai tòa tháp đôi cao 48 tầng và tòa nhà Landmark 72 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Landmark 72 đã bị Landmark 81 tại TP.HCM “soán ngôi”. Với chiều cao 461m, Landmark 81 trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của TP.HCM trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc.
Năm 2015, Landmark 72 tiếp tục gây chú ý khi Tập đoàn AON plc (Anh) giành quyền mua lại khu phức hợp này với giá 454 tỷ won, vượt qua các nhà đầu tư lớn như Goldman Sachs và Quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA). AON plc là tập đoàn chuyên về dịch vụ tư vấn và quản lý rủi ro, hiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York với mã AON.
>> Lộ diện vị trí tòa nhà cao thứ 3 Hà Nội, chỉ sau Keangnam Landmark và Lotte Center: Chủ đầu tư là ai?
Mới đây, Hankyung dẫn nguồn tin từ ngân hàng đầu tư tại Seoul rằng AON đang trong quá trình đàm phán bán toàn bộ cổ phần tại dự án Landmark 72 với giá hơn 1.000 tỷ won (tương đương 748,5 triệu USD). Một số nhà đầu tư bất động sản và hạ tầng, bao gồm Mirae Asset Securities (Hàn Quốc), đang xem xét việc mua lại. Mirae Asset từng tham gia vào thương vụ Landmark 72 năm 2015, khi mua 100 tỷ won trái phiếu chuyển đổi và hiện đang cân nhắc chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
Trong quý II/2024, AON ghi nhận doanh thu 3,76 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thương vụ mua lại NFP – một công ty quản lý tài sản trị giá 13 tỷ USD – đã khiến chi phí hoạt động của AON tăng 33% lên 3,1 tỷ USD. Kết quả, lợi nhuận ròng của AON giảm 6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 524 triệu USD. Dù vậy, lợi nhuận ròng sau điều chỉnh vẫn tăng 9%, đạt 624 triệu USD.
Không chỉ là một biểu tượng kiến trúc, Landmark 72 còn nằm trong danh sách những tòa nhà có giá thuê văn phòng đắt đỏ nhất tại Hà Nội. Nằm ở vị trí đắc địa tại quận Nam Từ Liêm, toà nhà sở hữu 2 mặt tiền là 2 tuyến đường lớn: đường Dương Đình Nghệ và đường Phạm Hùng lại nằm ngay ngã tư Dương Đình Nghệ – Phạm Hùng – Mễ Trì. Đây là một trong những trục giao thông trọng điểm của khu vực phía Tây Thủ Đô. Tòa nhà Keangnam Hanoi được thừa hưởng rất nhiều ưu thế đặc biệt về mặt vị trí, giao thông và kết nối.
Theo báo cáo của Avision Young Việt Nam, giá thuê văn phòng tại Landmark 72 đạt 36 USD/m2/tháng, chưa kể phí dịch vụ 6,8 USD/m2. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại đây lên tới 98%, cho thấy sức hút mạnh mẽ của tòa nhà trong lĩnh vực cho thuê bất động sản cao cấp.
Mặc dù đã mất danh hiệu tòa nhà cao nhất Việt Nam, Landmark 72 vẫn giữ vị trí quan trọng trong thị trường bất động sản cao cấp ở Hà Nội. Tòa nhà không chỉ cung cấp văn phòng cho thuê với giá trị cao mà còn đóng vai trò là biểu tượng cho sự phát triển và hiện đại hóa của thủ đô. Với các thương vụ chuyển nhượng lớn đang được đàm phán, Landmark 72 tiếp tục là điểm nóng trong các cuộc đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam.
>> Lộ diện 2 toà tháp sẽ vượt mặt Landmark 81, không chỉ cao nhất Việt Nam mà còn cao nhất 10 nước Đông Nam Á
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tinh-hinh-tai-chinh-cua-doanh-nghiep-so-huu-toa-nha-tung-cao-nhat-viet-nam-dang-duoc-rao-ban-voi-gia-750-trieu-usd-159873.html