UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 7/2024, tỉnh đã thu hút được 70 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm 20 dự án mới, 8 dự án điều chỉnh tăng vốn và 11 dự án góp vốn.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 1,06 tỷ USD. Trong đó, có 110 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 487 triệu USD; 81 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng thêm hơn 566 triệu USD, cùng với các dự án đăng ký góp vốn và mua cổ phần.
Tính đến nay, Bình Dương có 4.332 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 40,9 tỷ USD. Ngoài những dự án mới, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều nhà đầu tư đã tiếp tục đầu tư vào dây chuyền máy móc mới, hiện đại hơn, mở rộng nhà xưởng sản xuất và kinh doanh nhằm tăng năng suất.
Gần đây, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora (Đan Mạch) đã khởi công nhà máy Pandora Production Việt Nam tại KCN VSIP 3. Đây là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài Thái Lan, với tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD (khoảng 3.800 tỷ đồng).
Tập đoàn này cho biết, dự án đang triển khai đúng kế hoạch và đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc tạo điều kiện thuận lợi. Tập đoàn cam kết sẽ đưa nhà máy vào hoạt động theo đúng tiến độ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại tỉnh.
>> Tỉnh có nhiều TP nhất cả nước sắp có khu đô thị cảng – logistics 2.700ha, là cửa ngõ kết nối với TP HCM
Bình Dương hiện là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước với 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, cho thuê 7.000ha đất và tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93%. Tỉnh còn có 10 cụm công nghiệp và hàng nghìn nhà máy nằm xen kẽ các khu dân cư, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Hiện tại, Bình Dương đang nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh và chọn lọc kỹ lưỡng các dự án đầu tư nước ngoài. Tỉnh định hướng thu hút các dự án đầu tư sản xuất xanh, giảm thiểu tác động môi trường và sử dụng nhiên liệu sạch.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương tiếp tục xem công nghiệp là động lực tăng trưởng chính, tập trung vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu.
Bình Dương sẽ tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tỉnh cũng hướng tới phát triển công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao và đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Bình Dương còn đặt mục tiêu hiện đại hóa và tối ưu hóa hiệu quả thương mại cho các ngành công nghiệp hiện hữu. Tỉnh sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cách đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ dựa trên cơ chế thu hút đầu tư đột phá, chính sách ưu đãi và hạ tầng hỗ trợ. Mục tiêu là đưa sản phẩm mang thương hiệu Bình Dương ra thị trường quốc tế với giá trị cạnh tranh cao.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp và xây dựng sẽ chiếm 64%. 87% lao động sẽ được đào tạo để phục vụ phát triển công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế. 100% chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại sẽ được thu gom và xử lý.
Ngày 1/5/2024, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) chính thức lên thành phố theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Bến Cát là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố thứ 5 của địa phương này sau Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên. Từ đó, Bình Dương cũng trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước.
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam lặng lẽ bứt phá, đứng nhì bảng về xuất khẩu
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tinh-co-nhieu-tp-nhat-ca-nuoc-hut-hon-1-ty-usd-von-fdi-152973.html