Thế giới Di động
Thế giới Di động được biết đến trong mắt người dùng với hình ảnh chuỗi cửa hàng mở la liệt ở nhiều con phố. Thậm chí nhiều cửa hàng mở rất gần nhau. Sang năm 2023, liệu thương hiệu này sẽ tính phát triển chuỗi như thế nào khi trước đó gây chú ý với việc đóng cửa hàng loạt điểm kinh doanh không hiệu quả.
Làm rõ thắc mắc của cổ đông mới đây, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG – đã chia sẻ rõ hơn về chiến lược “lỗ là đóng” đang được áp dụng ở các chuỗi với quy mô lớn như Thế giới Di động, Điện máy Xanh, Bách Hóa Xanh.
“Đối với sự vận hành của chuỗi, cửa hàng hoạt động không hiệu quả, lấy đi dòng tiền, gây lỗ cho công ty thì phải đóng lại. Nếu cần thì có một cái khác thay thế. Nói chung, việc thay một cửa hàng kém hiệu quả bằng một cái khác hiệu quả hơn sẽ diễn ra trong tất cả các chuỗi của tập đoàn”, ông Tài tiết lộ về kế hoạch năm nay.
Ông Tài cũng khẳng định, ngoại trừ những chuỗi đang ở giai đoạn thử nghiệm như An Khang, AVAKids thì “chiến lược theo kiểu lỗ là đóng” rất rõ ràng và
đang khá thận trọng trong việc mở cửa hàng mới.
“Việc mở ào ạt theo chỉ tiêu được giao là cái chúng tôi đã học từ quá khứ, những chuyện như vậy sẽ không còn tiếp diễn nữa. Bây giờ mở cửa hàng nào thì cửa hàng đó phải thắng thì chúng tôi mới mở, không thì chúng tôi không mở”, ông Tài nói.
Trước đó, MWG đã trải qua một năm không suôn sẻ khi lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, công ty chỉ hoàn thành được 95% doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch. Ông Nguyễn Đức Tài đã ví những khó khăn trong năm 2022 như “cơn gió ngược” để công ty rà soát, củng cố nội lực sau nhiều năm tăng trưởng cao và dồn sức cho mở rộng.
Chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam
FPT Retail (FRT) là đơn vị sở hữu các chuỗi bán lẻ lớn về thuốc và hàng điện tử như Long Châu hay FPT Shop. Chiến lược mở rộng số lượng cửa hàng ở những chuỗi này rất rõ ràng trong năm 2022. Các báo cáo của đơn vị này cho thấy, kế hoạch mở cửa hàng mới đều vượt kế hoạch đặt ra.
Trong đó, với nhà thuốc Long Châu, số lượng cửa hàng tăng rất mạnh với với mục tiêu chính là ưu tiên mở rộng vùng phủ. Báo cáo thường niên 2022 vừa công bố đưa ra chi tiết, Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc đầu tiên có mặt trên khắp 63 tỉnh thành trên cả nước kể từ tháng 11/2022.
Cụ thể, trong năm 2022, Long Châu đã mở mới 600 cửa hàng, vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu, đưa chuỗi Long Châu vươn ra khắp 63 tỉnh thành.
Còn với FPT Shop, dù thị trường bão hoà và bất chấp việc đối mặt nhiều khó khăn khác, chuỗi bán lẻ này vẫn đẩy mạnh “chiến thuật” mở rộng vùng phủ. Kết thúc năm 2022, chuỗi FPT có 786 cửa hàng, tăng thêm 139 so với đầu năm 2022, vượt xa kế hoạch mở mới 2022.
Năm 2023, FRT dự báo sẽ là một năm khó khăn khi tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022 như sức mua sụt giảm, chi phí tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường… Đối với các mặt hàng dược phẩm, dù là thiết yếu nhưng dự báo cũng bị ảnh hưởng do xu hướng khách hàng thắt chặt chi tiêu hơn.
Vậy “chiến thuật” bao phủ bằng số lượng cửa hàng mới được sử dụng khá “triệt để” năm ngoái sẽ được thực hiện trong 2023 ra sao? Với FPT shop, FRT tiết lộ, với tình hình khó khăn như hiện nay, sẽ rất “thận trọng” trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng.
Thay vì mở rộng điểm bán mới, FRT sẽ mở rộng việc mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT shop hiện hữu. Cho đến nay cửa hàng bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300, dự kiến cuối năm nay sẽ đưa con số này lên 600.
Với Long Châu, không vừa lòng khi đã trở thành nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam, chuỗi này vẫn tiếp tục chiến lược mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số đến cuối năm 2023 từ 1.400 – 1.500.
Việc mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc 2023 trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu có khiến cho doanh thu và lợi nhuận ảnh hưởng không là băn khoăn của một số cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2023 diễn ra mới đây.
Mở thêm hàng trăm cửa hàng bất chấp lỗ lớn
Sau việc nhận chuyển nhượng từ Tập đoàn Vingroup, Masan trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm lớn nhất tại Việt Nam về số lượng cửa hàng. Wincommerce đang điều hành hệ thống siêu thị bao gồm 130 siêu thị WinMart và 3.268 cửa hàng WinMart+ vào cuối năm 2022.
Với số lượng cửa hàng khủng, chiếm khoảng 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại và khoảng 50% các địa điểm bán lẻ hiện đại, song Wincommerce vẫn đang phải “gồng” lỗ. Báo cáo tài chính cơ bản của doanh nghiệp này mới đây cũng tiết lộ, lợi nhuận sau thuế Wincommerce 2021 âm 147 tỷ đồng, còn năm 2022 âm 445 tỷ đồng.
Sự sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận âm diễn ra trong bối cảnh chuỗi bán lẻ này không ngừng mở rộng về số lượng cửa hàng. Trong đó, năm 2022, chuỗi bán lẻ này mở thêm hơn 730 điểm mới.
Tại báo cáo thường niên năm 2022, Masan cho biết đã phát triển hiệu quả kinh tế trên mỗi cửa hàng tốt nhất trên nhiều hình thức bán lẻ có thể mở rộng ra toàn quốc.
“Kết quả, trong khi các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đồng loạt đóng tổng cộng khoảng 1.000 cửa hàng vào năm 2022 khi thị trường tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, Wincommerce đã mở hơn 730 điểm bán mới”, Masan tiết lộ về chiến lược của mình.
Bất chấp xu hướng bán online ngày càng tăng, lãnh đạo của doanh nghiệp sở hữu vô số cửa hàng offline này vẫn tin rằng: “Chuỗi cửa hàng bán lẻ offline vững mạnh là yếu tố quan trọng để phục vụ hiệu quả người tiêu dùng trên kênh online hoặc trên các phương tiện số khác”.
Với nhận định bối cảnh thị trường Việt Nam, nơi gần 90% hoạt động bán lẻ vẫn diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ vật lý mặc dù thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, Masan hé lộ về khả năng quy mô cửa hàng sẽ tiếp tục được mở rộng.