Vào cuối tháng 8/2024, cơ sở Starbucks Reserve tại Hàn Thuyên, sau 7 năm hoạt động, sẽ chính thức đóng cửa. Quyết định này đã gây xôn xao dư luận bởi nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc chủ nhà quyết định nâng giá thuê từ 700 triệu đồng/tháng lên 750 triệu đồng/tháng. Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở việc giá thuê tăng cao, mà còn đặt ra câu hỏi: Làm thế nào một thương hiệu cà phê như Starbucks có thể duy trì lợi nhuận khi phải đối mặt với những chi phí khổng lồ như vậy?
Chiến lược mặt bằng đắc địa, tận dụng thương hiệu của Starbucks
Đối với Starbucks, việc chi trả hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho một mặt bằng không đơn thuần chỉ là một khoản chi phí, mà đó là một chiến lược kinh doanh. Tương tự như Apple hay các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton và Chanel, Starbucks không chỉ bán cà phê, mà còn bán một phong cách sống, một biểu tượng của sự giàu có và đẳng cấp. Họ định vị thương hiệu của mình ở phân khúc cao cấp, nhắm đến những khách hàng sẵn sàng chi trả để trải nghiệm một không gian sang trọng.
Chính vì lý do này, Starbucks sẵn sàng đầu tư vào các vị trí mặt bằng đắc địa tại những khu vực trung tâm, nơi mà chỉ cần bước vào quán, khách hàng đã cảm nhận được sự khác biệt và đẳng cấp. Việc xuất hiện ở những vị trí này không chỉ giúp Starbucks thu hút một lượng khách hàng đông đảo, mà còn củng cố hình ảnh của thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
Để từ đó các sản phẩm với logo của Starbucks sẽ được định vị ở phân khúc cao cấp hơn hẳn như bánh trung thu có giá từ 400-700 nghìn đồng, hay bộ sưu tập cốc độc đáo của hãng đã liên tục ‘cháy hàng’ khi vừa ra mắt mặc dù mức giá không hề rẻ (từ 300.000 đồng đến hàng triệu đồng tuỳ từng phiên bản). Các chuyên gia đã nhận định rằng, Starbucks đã tận dụng vô cùng thông minh hiệu ứng Veblen (khách hàng mua sản phẩm xa xỉ nhằm phô trương tài chính của) bởi định vị của Starbucks tập trung vào nhóm khách hàng trung – thượng lưu đang ngày càng nhiều tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các sản phẩm kể trên thường được bán theo mùa hoặc theo đợt nhằm tăng tính khan khiếm cho mỗi lần mở bán nên sẽ không phải nguồn doanh thu thường xuyên.
>> Thương hiệu nào đang sở hữu nhiều quán cà phê nhất Việt Nam?
Hiện, Starbucks là công ty cà phê lớn nhất thế giới bỏ xa đối thủ của nó là Costa Coffee, Starbucks cũng là chuỗi cửa hàng lớn thứ hai thế giới – chỉ sau McDonald’s. Cổ phiếu SBUX của Starbucks giao dịch ở mức 94,02 USD tại thời điểm viết bài (24/8/2024) tương đương với mức vốn hoá thị trường là 106,5 tỷ USD.
Theo thống kê gần nhất thì cà phê Starbucks có gần 39.000 địa điểm vào cuối quý I năm tài chính 2024, riêng tại Việt Nam tính đến tháng 5/2024, chuỗi hiện đang có 108 cửa hàng.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Liệu việc bán cà phê có đủ để bù đắp chi phí mặt bằng khổng lồ? Thực tế, lợi nhuận của Starbucks không chỉ đến từ việc bán sản phẩm đơn thuần, mà còn từ một chiến lược kinh doanh tinh vi hơn nhiều.
Cả một bộ máy ‘ngân hàng’ trong hình dáng chuỗi cà phê
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Starbucks duy trì lợi nhuận chính là chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards. Đây không chỉ là một công cụ giúp gia tăng doanh số, mà còn là một cách để Starbucks chiếm dụng vốn của khách hàng một cách hợp pháp và hiệu quả.
Khách hàng của Starbucks thường được khuyến khích nạp tiền trước vào thẻ thành viên để có thể sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện hơn. Với số tiền nạp vào thẻ, Starbucks có thể tự do sử dụng như một khoản vay không lãi suất. Điều này cho phép họ đầu tư, mở rộng kinh doanh hoặc thậm chí gửi vào ngân hàng để sinh lời, mà không cần phải trả bất kỳ khoản lãi nào cho khách hàng.
Theo tờ Wall Street Journal, đến cuối năm 2022, Starbucks đã nắm giữ khoảng 2,4 tỷ USD từ chương trình thẻ thành viên này, đủ để thương hiệu này đứng thứ 385 trong danh sách các ngân hàng lớn nhất tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Starbucks đang hoạt động như một ngân hàng không chính thức, nhưng lại không chịu sự giám sát chặt chẽ như các tổ chức tài chính thông thường.
Chương trình thẻ thành viên không chỉ giúp Starbucks gia tăng doanh thu mà còn mang lại những lợi ích khác như thu thập thông tin tiêu dùng của khách hàng, tạo ra sự gắn kết và trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Hơn nữa, với lượng tiền mặt khổng lồ mà khách hàng nạp vào thẻ, Starbucks có thể dễ dàng xoay vòng vốn để mở rộng kinh doanh hoặc đầu tư vào các dự án mới mà không cần phải lo lắng về chi phí lãi vay.
Tranh cãi về chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards
Không phải ngẫu nhiên mà chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards lại thành công vang dội. Tính đến quý III/2022, chỉ riêng tại Mỹ đã có tới 27,4 triệu thành viên hoạt động, đóng góp tới 53% tổng doanh thu của Starbucks tại thị trường này. Điều này cho thấy, chương trình không chỉ giúp Starbucks tăng trưởng doanh thu mà còn tạo ra một lượng khách hàng trung thành sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn so với khách hàng thông thường.
Thành viên của Starbucks Rewards không chỉ mua cà phê mà còn nạp tiền trước vào thẻ thành viên để hưởng các ưu đãi, tích lũy điểm, đổi quà. Điều này giúp Starbucks không chỉ bán được nhiều sản phẩm hơn mà còn giữ lại một lượng tiền lớn của khách hàng trong thời gian dài.
Một điểm đáng chú ý là khoảng 10% số tiền nạp vào thẻ thường bị lãng quên hoặc không sử dụng đến. Trong các báo cáo tài chính từ năm 2017 đến 2019, Starbucks đã ghi nhận khoản thu từ số tiền bị lãng quên này lên đến hàng trăm triệu USD. Đây chính là một nguồn thu “trời cho” giúp Starbucks tăng cường lợi nhuận mà không phải chi trả bất kỳ khoản chi phí nào.
Dù chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards mang lại nhiều lợi ích cho công ty, nhưng nó cũng đã làm dấy lên những tranh cãi về đạo đức kinh doanh. Một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Mỹ đã cáo buộc Starbucks lợi dụng chương trình thẻ thành viên để chiếm dụng vốn của khách hàng. Họ cho rằng Starbucks đã thiết kế chương trình này sao cho khách hàng khó có thể tiêu hết số dư trong tài khoản, qua đó tận dụng số tiền này cho các hoạt động khác của công ty.
Liên minh Bảo vệ Người tiêu dùng Washington (WCPC) đã yêu cầu các công tố viên điều tra xem liệu chính sách của Starbucks có vi phạm quy định bảo vệ người tiêu dùng hay không. Theo WCPC, Starbucks đã cố tình đặt ra các rào cản, như yêu cầu nạp tối thiểu 5 USD và thanh toán trực tuyến tối thiểu 10 USD, để đảm bảo rằng luôn có một số dư trong tài khoản của khách hàng.
Mặc dù Starbucks đã phủ nhận các cáo buộc này và khẳng định rằng khách hàng có thể tiêu dùng tùy thích mà không bị ép buộc, nhưng thực tế là số tiền “gửi” của khách hàng đã giúp Starbucks duy trì một nguồn vốn khổng lồ để đầu tư và mở rộng kinh doanh.
>> Starbucks bất ngờ đóng cửa quán cà phê cao cấp có vị trí đắc địa bậc nhất TP Hồ Chí Minh
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/thue-1-cua-hang-ton-700-trieu-thang-bi-quyet-kinh-doanh-cua-cong-ty-ca-phe-lon-nhat-the-gioi-starbucks-la-gi-153260.html