Sáng 20/8, ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An – cho biết, 1 ngày qua đã có nhiều thương lái tìm đến vườn đu đủ của các xã viên để đặt vấn đề thu mua quả với giá từ 3.000 – 3.500 đồng/kg. Hiện hợp tác xã và các xã viên đang tăng cường tìm đầu ra và kêu gọi các thương lái đến thu mua đu đủ giúp người dân để vớt vát lại tiền công chăm sóc.
Theo ông Trung, trước đó do phía
Công ty CP Chanh leo Nafoods
không thu mua quả nên các xã viên không chăm sóc vườn đu đủ. Trong khi đó, vườn
đu đủ
đã chín và đến kỳ thu hoạch nên khi không được hái và chăm sóc, hơn nửa số lượng quả trong vườn đã chín rụng đầy vườn.
“Hiện 1 ha vườn vẫn còn từ 40-50 tấn quả đu đủ. Tuy nhiên còn khoảng 20 tấn quả còn sử dụng được, số còn lại đã hỏng. Các thương lái đã đến từng vườn xem chất lượng quả rồi thu mua. Thống kê chưa đầy đủ thì đã có khoảng vài ba tấn quả đu đủ được thương lái thu mua”, ông Trung nói.
Trước đó như đã phản ánh, tháng 11/2022, công ty CP Chanh leo Nafoods ký hợp đồng cung cấp giống cây đu đủ với hợp tác xã Nông nghiệp Tây Hiếu (HTX Tây Hiếu). Sau khi ký kết, 16 xã viên HTX Tây Hiếu đã đầu tư tiền và trồng đu đủ trên diện tích 13,3 ha.
Sau 8 tháng chăm sóc, 13,3 ha cây đu đủ đã sai trĩu quả với ước tính khoảng 2000 tấn quả. Tuy nhiên, tháng 7/2023 vừa qua, Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods đã không thu mua quả đu đủ như đã cam kết trong hợp đồng. Phía công ty sau đó thông báo chấm dứt hợp đồng cung cấp cây giống với HTX Tây Hiếu.
Ngày 18/8 vừa qua, Công ty CP Chanh leo Nafoods đã đến làm việc với các xã viên HTX Tây Hiếu. Phía công ty cho biết, việc chậm trễ thu mua quả đu đủ do những tác động khách quan từ thị trường đầu ra, nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp. Sau khi làm việc, phía công ty thống nhất hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người dân với mức 225.000.000 đồng/ha. Tổng 13,3 ha đu đủ sẽ được hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này sẽ được chi trả vào ngày 21/8. Ngoài ra, công ty đồng ý cho các xã viên, hợp tác xã bán quả đu đủ để vớt vát thêm tiền công chăm sóc.
“Số tiền công ty hỗ trợ đã đủ tiền vốn người dân bỏ ra trồng đu đủ. Sau khi phía công ty đồng ý cho bán quả, hợp tác xã đã thông báo các xã viên dọn, chăm sóc lại vườn và thu hoạch quả bán cho các thương lái”, Giám đốc HTX Tây Hiếu nói và cho biết, trước đó người dân rất lo lắng, sợ mất trắng hàng tỷ đồng vì đu đủ chín, rụng thối rữa đầy vườn.