Ngày 7/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thực hiện phiên đấu giá công khai toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương với 40% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – mã chứng khoán PGB) mà Petrolimex sở hữu.
Kết quả đấu giá, có 4 nhà đầu tư trúng giá bao gồm 3 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng thấp nhất là 21.400 đồng/CP và giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/CP, giá trúng bình quân là 21.400 đồng/CP. Như vậy, Petrolimex đã thoái vốn thành công tại PG Bank và thu về 2.568 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của công ty mẹ Petrolimex, khoản đầu tư vào PG Bank có giá gốc 1.078 tỷ đồng. Với việc thu về 2.568 tỷ đồng, Petrolimex có thể ghi nhận 1.490 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính cho công ty mẹ.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex, giá trị khoản đầu tư vào PG Bank theo phương pháp vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 là 1.834 tỷ đồng. Ước tính khoản thoái vốn tại PG Bank có thể sẽ ghi nhận trên báo cáo hợp nhất Petrolimex khoản lợi nhuận hơn 730 tỷ đồng. Theo đánh giá của chuyên gia chứng khoán SSI, con số này tương đương 18% và 2% LNTT và giá trị sổ sách năm 2023 của PLX trước thoái vốn.
Sau khi thoái vốn, Petrolimex sẽ “mất” gì? Đó là sẽ không còn khoản đóng góp lợi nhuận từ PG Bank hàng năm. Trong năm 2022, lợi nhuận của Petrolimex đến từ khoản đầu tư vào PG Bank là 161 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo SSI, khoản thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng mức tăng của thu nhập lãi tiền gửi từ việc thoái vốn.
Trong trường hợp đơn giản nhất, nếu Petrolimex đem 2.568 tỷ đồng tiền mặt thu được từ thoái vốn đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng PG Bank trong 1 năm với lãi suất 7,5% cũng có thể thu về gần 200 tỷ đồng tiền lãi.