Thiếu gia Minh Nhựa nửa năm gián đoạn việc sở hữu vốn của công ty nhựa Long Thành
Là công ty gia đình, Nhựa Long Thành mặc dù là doanh nghiệp lớn nhưng hiện vẫn đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH với các thành viên góp vốn là người nhà, nắm sở hữu 100%.
Trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 10 năm 2022, ông Phạm Trần Nhật Minh từng sở hữu 19% cổ phần của Nhựa Long Thành, tương ứng giá trị 17,1 tỷ đồng. 3 thành viên góp vốn còn lại của công ty Long Thành là ông Phạm Văn Mười, bà Trần Thị Bạch và 1 cá nhân khác.
Từ ngày 17/10/2022, ông Nhật Minh bất ngờ không còn tên trong danh sách thành viên góp vốn của công ty, đồng thời tỷ lệ sở hữu của người cha là ông Phạm Văn Mười tăng lên tương ứng.
Gián đoạn đến ngày 12/4/2023, ông Nhật Minh có tên trở lại trong danh sách thành viên góp vốn của công ty Long Thành. Sở hữu của ông Minh đồng thời làm giảm sở hữu của ông Mười và bà Bạch (cha mẹ ông Minh) xuống còn lần lượt 40% và 30% (trước đó là 66,11% và 33,89%).
Hiện tại, ông Nhật Minh nắm 30% vốn công ty, tương ứng hơn 27 tỷ đồng.
Vị trí Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của công ty Nhựa Long Thành hiện vẫn do ông Phạm Văn Mười đảm nhiệm, mặc dù hiện nay ông đã ở tuổi thất thập (sinh năm 1954).
Theo báo chí, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại thương của Đại học Hùng Vương, Minh Nhựa về làm cho cha mình với vị trí đầu tiên là công nhân khuân vác. Sau đó anh được trải nhiệm làm việc ở tất cả các phòng ban của công ty trước khi trở thành quản lý.
Hiện tại, ông Nhật Minh đang giữ chức Phó Tổng giám đốc điều hành, phụ trách các hoạt động chuỗi cung ứng, marketing, hành chính – nhân sự, công nghệ thông tin, nhà máy.
Nhựa Long Thành kinh doanh ra sao?
Mặc dù là một doanh nhân nổi tiếng với thương hiệu lớn ở TP Hồ Chí Minh nhưng ông Phạm Văn Mười khá kín tiếng trước truyền thông.
Trong lần hiếm hoi chia sẻ, ông Mười kể lại chuyện gia đình ông khởi nghiệp rất tình cờ, bắt đầu từ một xưởng nhỏ với ba chiếc máy thổi túi ni lông và can nhựa. Khó khăn ban đầu là rất lớn đối với họ khi họ còn non kinh nghiệm, cạnh tranh gay gắt với các gia đình cha truyền con nối, tương trợ lẫn nhau.
Nhựa Long Thành xuất phát từ một cơ sở sản xuất nhỏ vào năm 1990, 6 năm sau đó đã chuyển mình thành một công ty TNHH và nhanh chóng phát triển chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tới năm 2000, công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.
Ngành nhựa Việt Nam có thể tạm chia thành 4 mảng sản xuất chính: nhựa kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp điện tử, nhựa bao bì, nhựa xây dựng và nhựa tiêu dùng. Nếu hai lĩnh vực đầu tiên đòi hỏi công nghệ, các công ty FDI chiếm lĩnh thị trường thì các công ty trong nước chiếm ưu thế ở hai lĩnh vực kinh doanh tiếp theo nhờ lợi thế về hậu cần và hệ thống phân phối. Và Nhựa Long Thành chính là cái tên sáng giá trong 2 mảng đó.
Hiện tại, sản phẩm chủ lực của công ty là nhựa công nghiệp kỹ thuật cao như pallet (dùng để di chuyển hàng hóa, đóng gói hàng xuất khẩu), két nhựa, sóng nhựa, thùng rác công nghiệp, nhựa gia dụng, bao bì… Nhựa Long Thành có tập khách hàng là những doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất ở Việt Nam như Heineken, Carlsberg, Habeco, Coca Cola, Pepsi, Masan, Vinamilk, Nestle, Vina Acecook, Tân Hiệp Phát…
Công ty hiện có 4 chi nhánh ở các tỉnh thành phố lớn, 2 văn phòng đại diện, 1 nhà máy hiện đại và 1 showroom ở thành phố Hồ Chí Minh.
Số liệu về kết quả kinh doanh của Nhựa Long Thành ít khi được công bố rộng rãi nhưng cách đây 10 năm, tức năm 1993, theo thông tin trên website, doanh số của công ty đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng có nguồn lực tài chính mạnh khi vị thiếu gia Minh Nhựa từng tự tin trả lời phỏng vấn báo chí rằng: “Vốn là vấn đề lớn mà tất cả doanh nghiệp nhựa Việt Nam rất lo lắng. Nhưng vốn là thế mạnh của chúng tôi và Nhựa Long Thành không vay một đồng bạc nào của ai cả”.