Cooky – startup đi chợ hộ vừa thông báo tạm ngưng hoạt động tại Hà Nội và không hẹn ngày trở lại.
Nền tảng giao hàng thực phẩm tươi sống (Fresh Delivery) này cho biết ngưng hoạt động tại Hà Nội từ cuối ngày 29/11/2023 cho tới khi có thông báo mới. Thông báo này chỉ xuất hiện trên app của người dùng tại Hà Nội, không được công bố trên Fanpage.
Với động thái này, giờ Cooky chỉ còn hoạt động tại thị trường TPHCM.
Cooky xuất phát điểm là một website dạy nấu ăn (Cooky.vn), được thành lập từ năm 2015 bởi Nguyễn Lương Minh Vương, gọi vốn thành công lần đầu từ ESP Capital vào năm 2017. Phải đến năm 2020, trong thời điểm đại dịch Covid-19, khi được ông Minh Đặng rót vốn, Cooky mới xoay hướng tập trung sang mảng giao hàng thực phẩm gồm các gói sơ chế (ready-to-cook), món đã nấu sẵn (ready-to-eat), và nguyên liệu tươi sống (raw material).
Đến năm 2022, Cooky công bố gọi vốn thành công 4,5 triệu USD từ hai quỹ đầu tư Nextrans và Do Ventures. Hai nhà sáng lập Cooky lúc đó được giới thiệu là hai tên tuổi lớn trong giới startup Việt Nam là Minh Đặng và Nguyễn Thành Đại – những thành viên sáng lập Foody.vn. Foody.vn sau đó được bán cho SEA Group, công ty mẹ Shopee, và đổi tên thành ShopeeFood.
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Cooky được thành lập năm 2017, đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thành Đại. Một công ty khác được thành lập vào tháng 5/2020 – chừng một tháng sau thông tin ông Minh Đặng công bố rót vốn vào Cooky – là Cooky Market, người đại diện pháp luật là ông Đặng Hoàng Minh.
Chi nhánh Cooky Market tại Hà Nội được thành lập tháng 11/2021, hiện cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp là “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại”.
“Trong mảng giao thực phẩm trên toàn thế giới, các công ty giống như Cooky đều đang gặp khó khăn“, ông Minh Đặng từng chia sẻ tại một sự kiện của Forbes Việt Nam hồi cuối tháng 3/2023.
“Nhưng có điểm sáng là vài công ty không lỗ và có lợi nhuận. Mình đang muốn học theo các công ty có thể tự sống sót, thay vì suy nghĩ đi gọi vốn từ bên ngoài”.
Một case thành công ông Minh dẫn ra là Oasis – một chuỗi cửa hàng bán thực phẩm hiện diện cả online lẫn offline – của Hàn Quốc. Oasis đã có lợi nhuận và dự tính IPO.
“Đa số các công ty khác đang lỗ nặng, có công ty bị downround. Nhưng mảng này nếu làm nghiêm túc, làm chi tiết, vẫn có thể có lợi nhuận”, ông Minh Đặng khẳng định.
Ông Minh lấy dẫn chứng Foody sau bao nhiêu năm “đốt tiền” chiến đấu với Grab và Baemin (hiện đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam), khi ít đầu tư vào khuyến mãi, thì gần như các bên tiến đến mốc break-even (điểm hòa vốn), bắt đầu có lợi nhuận, dù còn nhỏ.
“Đó là tín hiệu tốt dành cho một công ty sau bao nhiêu năm đốt tiền. Đó là cái xu hướng mình phải làm – đi theo hướng có lợi nhuận“, ông Minh nói.