Những năm qua, dưới góc nhìn của nhà đầu tư ngoại, Việt Nam là một quốc gia mạnh đã và đang vươn lên để trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Thống kê, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 18 lần trong 20 năm, đưa quy mô lên hàng trăm tỷ USD tính đến hiện tại.
Cùng với đó, cơ cấu dân số vàng 100 triệu dân với lực lượng lao động lớn, Việt Nam trở thành điểm đến của những xu hướng tiêu dùng mới, bao gồm thị trường thiết bị gia dụng thông minh.
Thực tế, loạt “ông lớn” công nghệ như Apple, Xiaomi, Huawei… đã sớm có động thái gia nhập và ngày càng mở rộng nhận diện tại Việt Nam, thông qua ký kết với loạt đại lý lớn nhỏ. Từ năm 2021, thêm nhiều tên tuổi mới đồng loạt xuất hiện, có thể kể tên như Whirlpool, EZVIZ…
Trong đó, lần đầu đi sâu vào Việt Nam qua hợp tác với Digiworld (DGW), đại diện Whirlpool nhấn mạnh Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ cho rất nhiều hãng đã và đang phổ biến, cũng như những hãng mới gia nhập vào cuộc đua này. Theo hãng này, thị trường thiết bị gia dụng thông minh ở Việt Nam đạt quy mô 13 tỷ USD – một con số khá lớn đối với một quốc gia có dân số 100 triệu người.
Trong xu hướng công nghệ ngày càng đi sâu vào đời sống con người, thiết bị số nói chung và gia dụng thông minh nói riêng ngày càng phát triển. Bất chấp giai đoạn 2022-2023 toàn nền kinh tế đối mặt với suy thoái, “miếng bánh” này tại Việt Nam theo nghiên cứu vẫn đang mở rộng. Với cơ cấu người tiêu dùng trẻ của Việt Nam đang chiếm hơn 50% và thu nhập tăng lên, nhu cầu tìm mua những sản phẩm có chất lượng đang là xu hướng mua sắm trong những năm qua.
Thậm chí, thị trường này còn đang là nơi “trú bão” cho các “đại gia” bán lẻ ICT Việt Nam. Khi, không chỉ khó khăn về việc bán hàng, Thế giới Di động, FPT Shop… còn đang đối mặt với cuộc chiến hạ giá khiến lợi nhuận nhóm ICT gần như không còn.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, đại diện FPT Shop cho biết đang có kế hoạch đẩy mạnh mảng gia dụng nói chung, và đặc biệt ngành gia dụng thông minh nói riêng. Hiện, FPT Shop có khoảng 300 cửa hàng gia dụng, với hơn 100 cửa hàng tập trung hàng thông minh thương hiệu Xiaomi. Năm 2023, theo kế hoạch có khoảng 600 cửa hàng thì khoảng 200-250 cửa hàng là tập trung là hàng gia dụng thông minh.
Năm 2022, FPT Shop đã thử nghiệm bán hàng gia dụng và ghi nhận tín hiệu tích cực, đóng góp 2,5% tổng doanh thu với biên lãi gộp khá cao 20-25%. Kỳ vọng 3 năm tới, mảng này sẽ đóng góp tỷ trọng 15% tổng doanh thu chuỗi FPT Shop.
“Đi trước một bước”, Digiworld (DGW) đang gặt hái thành quả từ mảng gia dụng thông minh này. Tham gia từ năm 2021, Digiworld đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần doanh thu với kỳ vọng tăng trưởng kép sẽ đạt mức cao giai đoạn 2022-2025.
Năm 2022, một trong hai tăng trưởng chính của Công ty là từ ngành hàng mới, bao gồm các nhãn hàng điện thoại mới và các dòng Home Appliances mới. Sang năm 2023, trong bối cảnh ICT gặp khó, mảng gia dụng thông minh đặt mục tiêu tăng trưởng vượt bậc với 65%. Với việc “bắt tay” cùng nhiều nhãn hàng mới, Digiworld lên mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ, LNST 400 tỷ đồng.
Nhìn chung, ngành hàng gia dụng, đặc biệt gia dụng thông minh trong nước có triển vọng rất lớn. Trong chia sẻ năm qua, đại diện GfK Việt Nam, cho biết chi tiêu trung bình cho hàng điện máy và công nghệ viễn thông ở Việt Nam là 122 USD (2,8 triệu đồng). Mức này ngang Thái Lan, cao hơn Indonesia và thấp hơn Singapore. Bởi, người Việt đang nằm trong nhóm tiêu dùng có chọn lọc, thích đồ công nghệ mới, hiện đại. Theo thống kê của GfK, thị trường gia dụng thông minh của Việt Nam tăng trưởng từ 9% vào năm 2018 lên 18% năm 2021.