Ngày 22/10, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Temu chính thức ra mắt chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) tại Việt Nam, gây chú ý với chính sách hoa hồng cao vượt trội so với các sàn khác như Lazada và Shopee.
Temu nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội nhờ mức hoa hồng lên tới 30% cho mỗi sản phẩm bán qua liên kết tiếp thị. Đồng thời, sàn TMĐT này còn thu hút người tham gia bằng cách tặng ngay 150.000 đồng khi giới thiệu thành công một tài khoản mới cài đặt ứng dụng và thực hiện mua sắm sản phẩm. Mức thưởng này cao hơn hẳn so với Shopee.
Temu cũng áp dụng mô hình tiếp thị liên kết nhiều cấp, cho phép người giới thiệu hưởng thêm 20% hoa hồng từ doanh thu của các đối tác tiếp theo. Ví dụ, khi bán được một máy bơm giá 375.000 đồng, người làm tiếp thị có thể thu về 112.000 đồng, hay 300.000 đồng cho tay nâng màn hình giá 1 triệu đồng.
Dù mức hoa hồng hấp dẫn, việc nhận thưởng từ Temu không dễ như quảng cáo. Theo các chuyên gia TMĐT, điều kiện để kiếm được hoa hồng từ 10-30% chỉ áp dụng cho 10 lần mua hàng đầu tiên của một người dùng mới, với giá trị đơn hàng từ 1,2 đến 2,4 triệu đồng trong vòng 30 ngày sau khi đăng ký. Ngoài ra, người giới thiệu chỉ nhận được hoa hồng nếu người dùng mới duy trì trạng thái “người dùng ứng dụng mới” trong thời gian quy định.
Số tiền thưởng 150.000 đồng cũng chỉ được rút khi người dùng mới thực hiện mua hàng. Nếu giao dịch bị hủy hoặc hoàn lại, hoa hồng và tiền thưởng sẽ bị thu hồi. Điều này cho thấy, mặc dù chương trình tiếp thị của Temu có vẻ hấp dẫn, nhưng việc kiếm tiền từ nó đòi hỏi sự tuân thủ nhiều điều kiện phức tạp.
Hoa hồng hấp dẫn vượt xa TikTok Shop và Shopee
Chính sách trên giúp Temu nhanh chóng lan tỏa qua các kênh mạng xã hội, đặc biệt khi so sánh với TikTok Shop và Shopee. Chỉ trong ngày 22/10, từ khóa “Temu Affiliate” đã thu hút hơn 22.000 lượt thảo luận trên Facebook, và lượng tìm kiếm liên quan như “temu.to”, “temu affiliate login”, “temu affiliate vietnam” ghi nhận sự gia tăng đột biến trên Google Trends, đạt mức “break out”. Từ khóa tiếng Việt như “tiếp thị liên kết Temu” và “aff Temu” cũng tăng trưởng mạnh, từ 1.450% đến hơn 2.300% chỉ trong vài ngày.
Mặc dù TikTok Shop cũng hứa hẹn hoa hồng lên tới 30%, thực tế mức chi trả của Temu vẫn vượt trội hơn. Cụ thể, quy tắc ghi nhận hoa hồng của chương trình tiếp thị liên kết cho người bán Shopee được tính như sau:
Bên cạnh đó, Shopee cũng có quy định mức hoa hồng cho từng ngành hàng cụ thể.
Bảng tra cứu tỷ lệ hoa hồng theo từng ngành hàng trên Shopee (được cập nhật và bắt đầu áp dụng từ 01/06/2024)
>> YouTube và Shopee bắt tay, liên minh hùng hậu bậc nhất ngành thương mại điện tử đã hình thành?
Đối với Affiliate trên TikTok Shop, phí hoa hồng cố định đang được TikTok duy trì ở mức 2% (đã bao gồm cả thuế). Vậy phí hoa hồng Affiliate TikTok được tính dựa vào tổng giá trị của đơn hàng sau khi đã trừ đi tất cả những khoản giảm giá phát sinh từ phía người bán. Khoản phí này cũng không bao gồm phí giảm giá từ TikTok Shop hay phí vận chuyển.
Cụ thể theo chia sẻ trên trang burgerprints.com, phí hoa hồng Affiliate TikTok sẽ được tính dựa trên công thức là: Phí hoa hồng cố định = (Giá sản phẩm – Chi phí mà nhà bán hàng tài trợ) x 2%. Ví dụ:
Một shop bất kỳ bán một một sản phẩm nước hoa có giá 2.000.000 VNĐ trên TikTok Shop. Trong đó, chi phí mà người bán hàng thực hiện tài trợ là 100.000 VNĐ. Như vậy, giá sau khi chiết khấu của người bán hàng sẽ là 1.900.000 VNĐ.
Vậy, nếu như có 1 khách hàng A mua chai nước hoa này từ nhà tiếp thị liên kết, thì phí hoa hồng sẽ được tính theo bảng sau:
Có thể thấy, mức hoa hồng mà Temu đặt ra đang ‘không có đối thủ’ ở thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam.
Nguy cơ từ việc làm tiếp thị liên kết tràn lan
Chương trình tiếp thị liên kết của Temu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phần lớn sản phẩm trên nền tảng này là hàng không thương hiệu, giá trị thấp và được cung cấp xuyên biên giới. Điều này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, khi nhiều người dùng ở Mỹ và châu Âu đã phản ánh về việc mô tả sản phẩm không chính xác, dẫn đến hiểu nhầm về chất lượng và giá trị thực.
Mức hoa hồng cao có thể thúc đẩy việc quảng cáo sản phẩm một cách vô tội vạ, gây hại cho người tiêu dùng thiếu kinh nghiệm. Tại Việt Nam, tình trạng “link bẩn” đã khiến nhiều người bức xúc khi những liên kết giả mạo được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội chỉ để kiếm hoa hồng.
Shopee đã có biện pháp mạnh tay truy thu số tiền phạt lên đến 10 triệu đồng với những đối tác tiếp thị vi phạm. Tuy nhiên, với mức chiết khấu cao của Temu, nguy cơ bùng phát tình trạng này là rất lớn.
Theo các chuyên gia tiếp thị, sự hấp dẫn của chương trình hoa hồng cao luôn đi kèm với rủi ro. Sự thiếu kiểm soát về chất lượng sản phẩm và quảng bá không trung thực có thể gây hại cho người tiêu dùng và làm xấu hình ảnh của các nền tảng TMĐT. Với sự xuất hiện của Temu, thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam sẽ có nhiều biến động và đòi hỏi người dùng cảnh giác trước những lời mời gọi hấp dẫn từ các liên kết mua sắm.
>> Sàn thương mại điện tử 1688 đã hỗ trợ tiếng Việt, cuộc đua TMĐT thêm sôi động
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/temu-choi-lon-tra-hoa-hong-tiep-thi-lien-ket-toi-30-170410.html