Trong khuôn khổ Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có chuyến thăm làm việc tại Đan Mạch từ ngày 24-26/11.
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng đã làm việc với Tập đoàn A.P Moller-Maersk và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP). Đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực logistics và năng lượng xanh.
Tập đoàn CIP, có trụ sở tại Đan Mạch, là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bà Christina Sørensen, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của CIP cho biết, tập đoàn hiện đang quản lý 11 quỹ, với tổng số vốn huy động được khoảng 25 tỷ Euro cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng. Các dự án của CIP trải dài từ điện gió, điện mặt trời đến công nghệ lưu trữ năng lượng và sinh khối.
Tại Việt Nam, CIP đang nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận. Bà Sørensen bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài khảo sát, đo đạc và phát triển điện gió ngoài khơi.
>. Ông lớn logistics Maersk đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam: Những lĩnh vực nào sẽ hưởng lợi?
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao tiềm năng của CIP và nhấn mạnh Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm việc sửa đổi Luật Điện lực và ban hành các nghị định mới về giao biển. Ông cũng khuyến khích CIP phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp trong nước để chuyển giao công nghệ, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng hạ tầng truyền tải và thiết lập giá bán điện phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng gợi ý CIP nghiên cứu các giải pháp công nghệ để xuất khẩu điện năng hoặc sản xuất hydro xanh, amoniac xanh từ các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm doanh nghiệp Đan Mạch, nhờ dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng và nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn trên toàn cầu và đang cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ ngày càng tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác và phát triển tại Việt Nam. Ông cũng kỳ vọng họ sẽ tham gia đóng góp ý kiến để Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách, từ đó mở ra không gian đổi mới sáng tạo, hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực chiến lược giữa hai quốc gia.
Một doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư 2 tỷ USD sản xuất hydro tại Ninh Thuận
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tap-doan-nang-luong-tai-tao-lon-nhat-the-gioi-muon-nghien-cuu-dau-tu-tai-binh-thuan-180182.html