Chỉ một năm trước, Stark Corp còn được xem như câu chuyện thành công của một công ty Thái Lan. Nhà sản xuất cáp điện đạt mức định giá gần 2 tỷ USD, và là công ty tiến hành bán sáp nhập tích cực ở khu vực châu Á, trong đó có thương vụ diễn ra tại Việt Nam.
Giờ đây, Stark Corp đang sa lầy vào một vụ bê bối kế toán, 99% giá trị vốn hoá thị trường bốc hơi, và không thể thanh toán các khoản nợ trị giá 39 tỷ baht (1,1 tỷ USD).
Vấn đề của Stark Corp được hé lộ vào ngày 16/6 khi công ty Thái Lan cuối cùng cũng công bố báo cáo tài chính sau khoảng thời gian trì hoãn. Báo cáo cho thấy Stark lỗ 6,61 tỷ baht năm 2022, và khoản lỗ 5,97 tỷ baht vào năm 2021. Đáng chú ý, báo cáo trước đó cho biết công ty lãi 2,78 tỷ baht năm 2021, nguyên nhân do “nhiều lỗi” kế toán. Kiểm toán PwC đã phát hiện 202 “giao dịch mua bán bất thường” trị giá 8 tỷ baht vào năm 2022 và 3,59 tỷ baht vào năm 2021.
Sự kiện Stark Corp đang gây ra rúng động trên thị trường tài chính Thái Lan buộc các quan chức nước này phải có những động thái nhằm lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Như đã đề cập, Stark Corp có mối liên kết đến Việt Nam thông qua một thương vụ mua bán sáp nhập đã tiến hành trong quá khứ.
Hơn ba năm trước, công ty Thái Lan mua lại 100% cổ phần hai đơn vị trong ngành cáp điện Việt Nam là CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable) và CTCP Kim loại màu và nhựa Đồng Việt (Dovina) được sáng lập bởi doanh nhân Võ Tấn Thịnh từ năm 1987.
Theo tài liệu của công ty Thái Lan, thông qua PB Cable (công ty được thành lập tại Singapore), Stark Corp đã trả 198,5 triệu USD, khoảng 4.600 tỷ đồng thời điểm đó. Phần lớn số tiền thuộc về ông Võ Tấn Thịnh khi người sáng lập nắm tới 99,98% cổ phần Thipha Cable và 76,79% cổ phần Dovia trước khi thương vụ được tiến hành.
Bộ đội Thipha Cable và Dovina đã có màn “lột xác” hoàn toàn khi về tay người Thái. Công ty Việt Nam đã dần cho dừng hẳn mảng kinh doanh nguyên liệu thô, đồng thời tăng cường mảng cáp điện với biên lợi nhuận cao hơn. Điều này khiến doanh thu của Thipha Cable và Dovina dù sụt giảm, nhưng lợi nhuận ròng được cải thiện mạnh mẽ.
Để chứng minh rõ hơn. Trong gần 9.100 tỷ đồng doanh thu của bộ đôi Việt Nam năm 2019, khoảng 5.000 tỷ đồng doanh thu đến từ bán vật liệu thô, chiếm hơn một nửa. Biên lợi nhuận của phân khúc này chỉ từ 1 – 2%.
Sau 2 năm, Stark Corp đẩy tỷ trọng mặt hàng giá trị gia tăng lên tới 99%, với cơ cấu gần giống với các công ty kinh doanh tại Thái Lan. Năm 2021, doanh thu của Thipha Cable và Dovina ghi nhận hơn 7.400 tỷ đồng, tăng mạnh trở lại từ mức đáy 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận ấn tượng hơn nhiều, nhóm công ty Việt Nam lãi ròng 772 tỷ đồng năm 2021 so với mức lãi 442 tỷ đồng năm 2019.
Không chỉ tốt hơn chính mình, lợi nhuận của bộ đôi Thipha Cable và Dovina còn vượt xa Cadivi, gã khổng lồ trong ngành cáp điện Việt Nam.
Trong giai đoạn 2020 – 2022, lợi nhuận sau thuế của Cadivi chưa năm nào vượt qua ngưỡng 400 tỷ đồng dù cho doanh thu vẫn tăng trưởng. Năm ngoái, công ty thuộc sở hữu bởi Gelex (mã chứng khoán: GEX) đạt doanh thu gần 11.500 tỷ đồng. Vốn hoá của Cadivi trên thị trường chứng khoán hiện ở mức 3.200 tỷ đồng. Mức này tương đương với năm 2020, thời điểm diễn ra thương vụ Stark Corp thâu tóm Thipha Cable và Dovina trị giá 4.600 tỷ đồng.
Quay trở lại với Stark Corp, rủi ro vỡ nợ của công ty Thái Lan có thể dẫn đến việc phải thanh lý các tài sản để đáp ứng yêu cầu thanh toán của các chủ nợ. Với kết quả kinh doanh tương đối sáng sủa, bộ đôi Thipha Cable và Dovina khả năng được các đơn vị mua lại khác quan tâm. Vấn đề hiện tại là Stark Corp liệu có thể bán được với mức giá bao nhiêu? Hiệu quả kinh doanh của Thipha Cable và Dovina đã tăng lên nhiều kể từ khi được người Thái mua lại, nhưng tình trạng khó khăn của Stark Corp rất dễ bị ép bán giá thấp.
Thế giới Di động sau 2 tháng “khô máu” với cuộc chiến hạ giá: Doanh thu bán điện thoại, máy tính lần đầu tiên thấp hơn bán thịt, cá, rau…