Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý cụ thể cho điện gió ngoài khơi, PVN đã kiến nghị Bộ Công Thương đối với những vấn đề không có trong luật hiện hành (khoảng 15 bộ luật). Đồng thời, PVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định hành lang pháp lý để điều chỉnh điện gió ngoài khơi thí điểm.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhận định rằng đề xuất này khó có thể thực hiện được do các xung đột và vướng mắc giữa các luật không dễ dàng được giải quyết chỉ thông qua một quyết định.
Do đó, việc ban hành một nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội là điều nên nghĩ tới để mở cửa cho điện gió ngoài khơi thí điểm tại Việt Nam.
Một khó khăn khác là Luật Điện lực cũng như các Cơ quan quản lý Nhà nước đều không đề cập đến đối tác nước ngoài trong các dự án điện gió ngoài khơi, điều này gây trở ngại lớn cho cả PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nguyên nhân cả hai tập đoàn không thể tự triển khai các dự án này là do thiếu nguồn lực tài chính và kỹ thuật.
Do đó, PVN đã đề xuất đưa một điều khoản/điều luật để cho phép đối tác nước ngoài đồng hành cùng PVN hoặc EVN thực hiện dự án.
>> EVN cấp điện trở lại cho 5,98 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão, lũ
Ông Hùng cũng cho biết, ngay cả khi Chính phủ giao cho PVN hoặc EVN triển khai các dự án điện gió ngoài khơi sau thí điểm vì lý do an ninh quốc phòng, thì cả hai tập đoàn này đều sẽ gặp khó khăn về nguồn lực, đặc biệt là sau năm 2030.
Vì vậy, PVN đã đề xuất mở rộng thành phần nhà đầu tư trong nước theo hướng không nhất thiết phải 100% vốn nhà nước như PVN hay EVN, mà có thể là các công ty thành viên có phần vốn chi phối của EVN hay PVN là đủ. Điều này sẽ đa dạng hóa được nguồn lực mà vẫn đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước.
Chưa hết, vì dự án điện gió ngoài khơi bao gồm cả diện tích trên đất liền và biển, PVN đã đề xuất việc giao biển đi đôi với giao đất.
Kiến nghị của PVN cho rằng, nên có một quyết định của Thủ tướng hoặc một nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để trước mắt giao ngay khu vực biển (không vướng quy hoạch khác) để nghiên cứu, triển khai thí điểm điện gió ngoài khơi, trong thời gian đó sẽ hoàn thành sửa đổi, điều chỉnh bổ sung các bộ luật liên quan.
“Nếu không thì chúng ta sẽ tiếp tục chờ, không biết đến bao giờ mới triển khai được điện gió ngoài khơi”, ông Hùng cho biết.
Ông Hùng cũng thông tin thêm rằng, PVN đã tích cực cùng Bộ Công Thương và các cơ quan hữu trách tham gia vào quá trình đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực và giải quyết chồng chéo giữa các luật khác về đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, biển và hải đảo.
Liên quan đến việc chậm trễ trong triển khai các dự án thuộc quy hoạch điện VIII, thực tế sau khoảng một năm từ khi có quy hoạch thì mới có kế hoạch thực hiện quy hoạch này, mà đặt yêu cầu phải chọn chủ đầu tư.
“Như vậy, vô hình chung chúng ta đã lấn thời gian lựa chọn chủ đầu tư vào thời gian thực hiện dự án”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều dự án muốn đưa vào vận hành trước năm 2030 nhưng chưa chọn được chủ đầu tư. Đây là bất cập rất lớn, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nguồn điện ưu tiên cho quốc gia.
>> Petrovietnam (PVN) báo lãi trước thuế vượt 1,4 tỷ USD
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tai-sao-evn-va-pvn-khong-the-tu-lam-dien-gio-ngoai-khoi-160078.html