Ông Nguyễn Hòa Bình (SN 1981), hiện giữ chức Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Ông Bình không chỉ biết đến với vai trò là nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam mà còn được coi là “tri kỷ” của nhiều start-up Việt với hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp thành công. Cũng từ chương trình này mà cách gọi “Shark Bình” được biết đến và sử dụng rộng rãi mỗi khi nhắc về ông.
Shark Bình có hàng loạt những câu nói để đời tại chương trình. Chẳng hạn như: “Mang tiền về cho mẹ, mang tiền về cho vợ, mang tiền về cho ai cũng được vì đó là quyền của bạn nhưng quan trọng nhất là bạn phải kiếm được nhiều tiền”, “Bọn em dùng rất nhiều thuật ngữ chém… có khi không phải người của Trái đất này”, “Em phải tỉnh ra, đừng ngáo giá”,…
Những câu nói của Shark Bình tuy phũ nhưng đều là thực tế của start up. Ngoài chương trình, vị “cá mập” này cũng có hàng loạt phát ngôn thú vị được đăng tải trên trang cá nhân Facebook. Và gần đây nhất, Shark Bình đã có lời khuyên start-up: “Xưa kia Thánh Gióng lớn nhanh như thổi và đánh giặc là nhờ làng xóm mỗi người giúp một tay, start-up ngày nay cũng phải tìm cho mình một ‘ngôi làng’ phù hợp”.
Theo ông Bình, phong trào start-up “trăm hoa đua nở” đồng nghĩa với việc khởi nghĩa độc lập sẽ ngày càng khó khăn hơn, nên việc gia nhập các hệ sinh thái sẵn có thông qua các “cuộc hôn nhân” chiến lược đã trở thành một hướng đi quan trọng cho các start-up. Khi cơ hội của các Fresh Start-up đơn thương độc mã ngày càng hẹp lại, thì hãy cố gắng đừng trở thành một start-up “ngụ cư”.
Về vấn đề này, Chủ tịch NextTech lý giải thêm: “Tôi ngộ ra triết lý này từ năm 2009, và bắt đầu đặt mục tiêu xây dựng một “Lương Sơn Bạc” cho các start-up công nghệ thông qua việc liên tục khởi nghiệp và đầu tư khởi nghiệp. Mỗi start-up gia nhập hệ sinh thái NextTech giống như một vị anh hùng hảo hán gia nhập Lương Sơn Bạc: Mỗi Start-up giỏi một mảng và sản phẩm dịch vụ của start-up này lại là đầu vào của các start-up khác. Các start-up phải duy trì sự tương tác và tương trợ lẫn nhau”.
Shark Bình nhớ về một lần, có CEO nọ than phiền trong nhóm trò chuyện về việc bị đối thủ chơi xấu, thuê người đánh giá xấu ứng dụng trên kho tải và lan truyền tin đồn tiêu cực về sản phẩm. CEO một start-up khác đã lập tức chia sẻ kinh nghiệm xử lý, đồng thời hỗ trợ một cộng đồng “seeding” 500 đánh giá tích cực về sản phẩm để giải quyết khủng hoảng.
Hay trong lần khác, một start-up vốn mạnh về marketing nhưng lại yếu về công nghệ gặp phải sự cố quá tải hệ thống do chất lượng lập trình. Ngay lập tức 3 CTO (Giám đốc kỹ thuật) của các start-up khác trong hệ sinh thái bắt tay vào hỗ trợ xử lý sự cố để khôi phục dịch vụ ngay trong đêm.
Câu chuyện kinh điển khác mà Shark Bình từng chia sẻ trên Facebook về sự kỳ diệu của hợp lực và tương trợ lẫn nhau giữa NextPay và MySpa1 – một start-up chuyển đổi số ngành làm đẹp được quỹ Next100 đầu tư trong đại dịch. Kết quả là định giá start-up này đã tăng 5 lần chỉ sau một năm gia nhập NextTech.
‘Ngôi làng’ của các start-up là gì?
Ngạn ngữ có câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Do đó, nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp thì nên tìm cho mình những cộng sự đáng tin để cùng nhau đạt được mục tiêu. Những cộng sự đó tập hợp lại thành ‘ngôi làng’ của start-up, hỗ trợ tối đa trong công việc.
Con đường khởi nghiệp là một chặng đường gian nan, có nhiều khó khăn và rủi ro không lường trước được. Nếu tìm được người đồng hành sẽ giúp bạn tự tin hơn. Một số lợi ích của việc có cộng sự hợp tác như: Có thể kết hợp các kỹ năng và kinh nghiệm với nhau, có thêm nguồn vốn để hỗ trợ phát triển kinh doanh, có thêm người để trao đổi ý kiến, đưa ra quyết định tốt hơn,…
Những tiêu chí để chọn người cộng sự phù hợp:
– Nguồn vốn: Vốn là vấn đề đầu tiên của kinh doanh. Doanh nghiệp non trẻ của bạn cần vốn, và việc có thêm nguồn tài chính từ cộng sự sẽ giúp bạn tồn tại và phát triển trong những năm đầu của mình.
– Tính nhẫn nại và lòng tin: Trong kinh doanh, chữ tín là rất quan trọng, dù là đối tác hay cộng sự, một khi lòng tin bị phá vỡ thì khó có thể hợp tác lâu dài. Chính vì thế, tính uy tín luôn là điều mà bạn nhất định phải giữ để có được sự hợp tác dài lâu.
– Người có mục tiêu chung: Để có thể đi đường dài cùng nhau, 2 người phải có cùng đích đến. Nếu không, rất có thể bạn sẽ bị bỏ rơi hoặc xảy ra xung đột lợi ích giữa chừng. Bạn nên tìm những người có cùng tầm nhìn và quyết tâm để bắt đầu. Trong quá trình làm việc nên dung hòa với nhau để đạt hiệu quả tốt hơn.
– Kinh nghiệm và sự thích nghi: Tùy thuộc vào ngành bạn khởi nghiệp, bạn sẽ cần người bạn đồng hành để bổ sung các kỹ năng còn thiếu. Chẳng hạn nếu bạn làm một sản phẩm công nghệ và đã có kinh nghiệm kinh doanh, bạn cần tìm đối tác có kiến thức nền tảng về công nghệ. Bên cạnh đó, môi trường thay đổi, doanh nghiệp cũng cần thích ứng để phát triển. Cộng sự cũng cần biết cách thích ứng với nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn.
(Tổng hợp)