Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn là một trong những “siêu dự án” tỷ USD lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư lên đến 58.026 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,34 tỷ USD. Dự án này nằm trên diện tích 68,2ha, tại khu vực phía Nam Khu Kinh tế Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn.
Thời gian hoạt động dự kiến là 50 năm và nhà máy sẽ bắt đầu vận hành thương mại trước năm 2030. Dự án sẽ bao gồm một nhà máy điện LNG với công suất 1.500MW, một bến cảng nhập khí LNG, đê chắn sóng dài khoảng 1km.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, hồ sơ mời thầu đã được phát hành từ ngày 30/7/2024 với sự kiện đóng/mở thầu vào chiều ngày 30/9. Dự án này sẽ là cuộc tranh tài khốc liệt giữa 5 nhà đầu tư đã lọt vào danh sách ngắn trước đó bao gồm:
(1) Liên danh JERA Co., Inc – CTCP Tập đoàn Sovico;
(2) Liên danh Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc – Tổng Công ty Khí Hàn Quốc – Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo – Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát;
(3) Gulf Energy Development Public Company Limited (Thái Lan);
(4) Tập đoàn SK (Hàn Quốc);
(5) Liên danh Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – POW) – CTCP Tập đoàn T&T.
Tiềm lực 5 nhà đầu tư tham gia “tranh tài” tại dự án LNG Nghi Sơn
Liên danh đầu tiên tham gia dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn là JERA Co., Inc và Tập đoàn Sovico. JERA, liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power, là nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản, và đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1999 khi tham gia vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2.
Sovico là tập đoàn đa ngành, gắn liền với tên tuổi nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Hoạt động của Sovico trải rộng trên nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, hàng không, chuyển đổi số, năng lượng, đô thị và nghỉ dưỡng.
Liên danh JERA – Sovico đã theo đuổi dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn từ năm 2020. Đồng thời, Tập đoàn Sovico cũng chính là nhà đầu tư đã đề xuất địa điểm cụ thể xây dựng nhà máy ở khu vực phía Nam khu kinh tế Nghi Sơn.
Thứ hai là liên danh 4 nhà đầu tư gồm: Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn Xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát – CTCP. Trong đó, KOSPO là đơn vị điều hành nhà máy điện khí lớn nhất Hàn Quốc, với sản lượng điện cung ứng nội địa chiếm 9,1% tổng công suất tiêu thụ. Doanh nghiệp này đang cung ứng trên 2.000MW điện LNG, trên 7.000MW điện tái tạo tại Mỹ, Qatar, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.
Về KOGAS, đây là doanh nghiệp vận hành cảng LNG và nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới và là đơn vị cung ứng khí gas tự nhiên hàng đầu của Hàn Quốc trong suốt 37 năm qua. Daewoo E&C được biết đến là một trong bốn tập đoàn xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc.
Tổ chức này đã đầu tư và phát triển hơn 300 dự án tại hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng. Daewoo E&C có mặt tại Việt Nam từ khá sớm và cũng là công ty xây dựng đầu tiên của Hàn Quốc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào tháng 6/1991.
Tổng Công ty Anh Phát – doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất tại Thanh Hóa. Theo tìm hiểu, Anh Phát được thành lập vào tháng 6/2005 bởi gia đình đại gia Trịnh Xuân Nghiệm, nổi tiếng lĩnh vực kinh doanh nước sạch, hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng, du lịch, nhà hàng cao cấp tại địa phương. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ là 3.300 tỷ đồng.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Tổng Công ty Anh Phát đang là chủ đầu tư một số dự án quan trọng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, bao gồm: dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng; dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 1 Khu kinh tế Nghi Sơn; dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô Bỉm Sơn; dự án khu vực bến số 3, số 4 và số 5 cảng Nghi Sơn,…
Liên danh thứ ba góp mặt tại siêu dự án LNG Nghi Sơn thuộc hai doanh nghiệp trong nước là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group). PV Power là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) – nhà sản xuất điện năng lớn thứ hai cả nước (chỉ sau EVN), hiện có vốn điều lệ gần 23.420 tỷ đồng.
Về T&T Group hiện là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam. Sau 31 năm phát triển, T&T Group đã nâng vốn điều lệ lên mức 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 45.000 tỷ đồng, với hơn 500 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh, liên kết.
Thứ tư là doanh nghiệp độc lập Gulf Energy Development Public Co., Ltd, đây là doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan trong các lĩnh vực điện khí, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…
Tại Việt Nam, quá trình mở rộng hoạt động của Gulf Energy đã diễn ra từ năm 2018, khi tập đoàn này mua cổ phần của hai dự án năng lượng mặt trời GTN1 và GTN2 tại Tây Ninh và 2 trang trại điện gió tại Gia Lai.
Cuối cùng là doanh nghiệp SK E&S Co., Ltd, đây là công ty con trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thuộc SK Group của tỷ phú Chey Tae-won, một trong “tứ đại chaebol” của Hàn Quốc.
SK E&S là công ty tư nhân đầu tiên tại Hàn Quốc xây dựng chuỗi giá trị LNG toàn phần và tham gia kinh doanh nguồn năng lượng thế hệ tiếp theo trong ngành công nghiệp hydro và thiết lập một danh mục đầu tư xanh.
>>PV Power (POW) và 4 nhà thầu ‘tranh đấu’ thực hiện siêu dự án nhiệt điện 2,3 tỷ USD tại Thanh Hóa
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/soi-tiem-luc-5-ong-lon-dang-tranh-tai-gianh-sieu-du-an-2-34-ty-usd-tai-thanh-hoa-152564.html