Dat Bike là một trong những startup được cho là ấn tượng nhất chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 phát sóng hồi năm 2019. Với sản phẩm xe máy điện mang phong cách bụi bặm cá tính, công suất lên tới 4.500 W và tốc độ tối đa 80 km/h, CEO & Co-founder Dat Bike Nguyễn Bá Cảnh Sơn kêu gọi số vốn 50.000 USD cho 0,5% cổ phần.
Dù từng làm việc tại Thung lũng Silicon và được các Shark gọi là “nhân tài”, startup của anh Sơn vẫn bị “vùi dập” không thương tiếc, đặc biệt là Shark Nguyễn Hòa Bình. Vị “cá mập” này đánh giá Dat Bike “không có cơ hội nào”, khi sản phẩm của các doanh nghiệp lớn vừa có sẵn mạng lưới phân phối trên toàn quốc, giá thành lại rẻ hơn nhiều.
Bất chấp những đánh giá tiêu cực về Dat Bike, Shark Phạm Thanh Hưng khi đó vẫn cam kết đầu tư 60.000 USD cho 1% cổ phần và 1% cho vai trò cố vấn. Sau 1 năm nếu đạt KPI ông sẽ đạt thêm 2% cổ phẩn. Lý do đồng ý đầu tư là bởi vị “cá mập” này lúc đó đang làm việc với một quỹ đầu tư rất lớn, liên quan đến dự án sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, thương vụ này cuối cùng đã không được rót vốn thực.
Trong một video hậu trường Shark Tank Việt Nam mùa 6 gần đây, Shark Hưng đã đề cập tới cam kết đầu tư vào Dat Bike trước đây.
“
Trước đây tôi có cam kết đầu tư vào Dat Bike, nhưng deal đó không tiến hành được do công ty thành lập ở nước ngoài. Thủ tục xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài quá phức tạp. Thêm vào đó số phần trăm cũng rất nhỏ, nên tôi không theo nữa.
Đến bây giờ, tôi được biết Dat Bike đã trở thành startup rất thành công trong lĩnh vực xe máy điện, mang lại sản phẩm tính năng thú vị cho những người thích trải nghiệm, thích đi phượt… Đấy là điểm mà startup rất thành công
”, Shark Hưng cho biết.
Hồi cuối năm 2022, Dat Bike ghi nhận doanh thu trong vòng 12 tháng tăng gấp 10 lần, tổng số vốn đã huy động được lên đến 16,5 triệu USD. Định giá Dat Bike theo đó chạm mốc 32 triệu USD, theo ước tính của Venture Cap Insights. Startup này tự tin đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần/năm và có kế hoạch mở rộng sang Indonesia.
Sau Dat Bike, Shark Hưng một lần nữa trở thành “cá mập” duy nhất đặt niềm tin vào một startup xe điện khác là Cababa. Khác với Dat Bike, sản phẩm của Cababa là một chiếc xe điện 3 bánh thân hẹp có buồng lái kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, được trang bị cơ chế cân bằng chủ động. Xe có thể di chuyển 200 km mỗi lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe, hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng.
Tương tự Dat Bike, Cababa cũng bị các nhà đầu tư “vùi dập không thương tiếc”, chỉ ra hàng loạt điểm yếu và sự thiếu khả thi. Nhưng đến cuối cùng, startup này vẫn nhận được cái bắt tay với Shark Hưng, với cam kết rót 1,8 tỷ đồng cho 12% cổ phần và cộng thêm 3% pre-share cho sự đồng hành. Điều kiện là sản phẩm phải được cấp phép đăng kiểm và lưu hành.
Đánh giá về startup Cababa, Shark Hưng cho biết nhà sáng lập thực sự rất đam mê, nhưng ông thừa nhận “sự viển vông”.
“
Tôi cũng nhìn thấy sự viển vông và mong rằng có thể kéo bạn ấy trở lại mặt đất, bằng cách rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, không quá tham vọng về chuyện làm một sản phẩm thật đẹp, thật long lanh, nhiều tính năng mà cuối cùng không biết bán cho ai, thậm chí không được lưu thông trên đường.
Chúng ta phải bắt đầu từ những cái đơn giản nhất và để chỗ cho sự cải tiến dần dần, ra nhiều phiên bản tiếp theo. Nhiều mẫu xe phải 2-3 phiên bản ra thị trường rồi mới hoàn thiện được. Điều quan trọng nhất với các startup là phải có thành công ban đầu mới đủ tự tin và tiềm lực tài chính để đi xa hơn.
Tôi sẽ giúp các bạn ấy tái định hướng về chiến lược kinh doanh, kể cả về chiến lược sản phẩm để tránh sự lãng mạn quá mức, hoặc chỉ đi theo một con đường hơi bảo thủ, kiểu như chỉ làm cái mình thích, không phải sản phẩm xã hội cần
”, Shark Hưng tiết lộ kế hoạch với Cababa.
Sau khi lái thử chiếc xe điện 3 bánh, ông đánh giá đây là sản phẩm rất ổn để chạy trong thành phố. Dù chỉ là phiên bản mẫu nhưng chạy khá êm, các tính năng điều khiển vượt xa một chiếc xe máy thông thường.
“
Thậm chí chúng ta hoàn toàn có thể coi nó là một chiếc ô tô 3 bánh
”, Shark Hưng nêu cảm nhận.