Ngày 1/6 vừa qua, Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã hoàn tất giao dịch mua 2,557 triệu cổ phiếu SGN của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài gòn (Saigon Ground Services), qua đó sở hữu 7,6% tổng số cổ phần của doanh nghiệp này và trở thành cổ đông lớn.
Như vậy, danh sách cổ đông lớn của Saigon Ground Services hiện nay gồm Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) nắm 48,03%; Công ty chứng khoán SSI nắm 7,61% và Hãng hàng không Vietjet Air nắm 9,11% (do ông Lưu Đức Khánh đại diện).
Ngoài ra, tính đến thời điểm đầu năm, còn có CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) sở hữu gần 2,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,61%. Số cổ phiếu của IMP Corp đúng bằng với số cổ phiếu mà Him Lam vừa thực hiện mua vào.
Được biết, Saigon Ground Services là công ty được thành lập từ cuối năm 2004, chuyển đổi từ Trung tâm dịch vụ Hàng không, một đơn vị thành viên thuộc Cụm Cảng hàng không Miền Nam. Chức năng chính của công ty là cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ mặt đất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) và của các hãng hàng không.
Năm 2014, Saigon Ground Services được chuyển thành công ty cổ phần và ngay trong năm này hoàn thành cổ phần hóa, để bắt đầu hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2015.
Một số dịch vụ mà công ty cung cấp gồm dịch vụ thủ tục hàng không như: Dịch vụ thủ tục hàng không cho khách đi, đến và chuyển tiếp, dịch vụ thu tiền hành lý quá cước và bán vé giờ chót tại sân bay, dịch vụ kiểm soát, hướng dẫn hành khách tại cửa khởi hành.
Dịch vụ hành lý có: Dịch vụ hành lý đi, đến và chuyển tiếp, dịch vụ hành lý thất lạc.
Dịch vụ kỹ thuật sân đỗ máy bay gồm: Dịch vụ bốc dỡ, chất xếp và vận chuyển hành lý, hàng hóa, bưu kiện từ máy bay đến nhà ga hành khách/hàng hóa bằng trang thiết bị chuyên dùng, dịch vụ điều phối chuyến bay, dịch vụ cân bằng trọng tải chuyến bay, dịch vụ hướng dẫn chất xếp chuyến bay, dịch vụ chuyên chở hành khách, tổ bay từ máy bay đến nhà ga.
Ngoài ra, công ty cũng cung cấp dịch vụ huấn luyện, đào tạo chuyên ngành, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị chuyên ngành, dịch vụ công nghệ thông tin chuyên ngành.
Với các hoạt động kinh doanh như vậy, Saigon Ground Services trong suốt gần 10 năm qua chưa từng thua lỗ, kể cả khi ngành hàng không gặp khủng hoảng nghiêm trọng trong giai đoạn Covid-19.
Cụ thể, doanh thu công ty liên tục tăng từ 473 tỷ đồng năm 2014 lên 1.585 tỷ đồng năm 2019. Năm 2020 và 2021, doanh thu công ty giảm mạnh nhưng đã hồi phục trở lại năm 2022, đạt gần 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 1.280 tỷ đồng năm 2023.
Công ty cho biết, trong năm qua mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn khách hàng là các hãng hàng không quốc tế, nhưng công ty đã đàm phán thành công và ký hợp đồng phục vụ mặt đất với một số hãng quốc tế mới như Air Premia (Hàn Quốc), Fly Gangwon (Hàn Quốc), Kalitta Air (Hoa Kỳ), Bhutan Airlines (Bhutan).
Về lợi nhuận, Saigon Ground Services lập đỉnh 379 tỷ đồng năm 2019, sau đó giảm các năm 2020 và 2021. Năm 2022 vừa qua, công ty lãi 136 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng gấp rưỡi lên 205 tỷ đồng năm 2023.
Tuy lợi nhuận năm 2022 đã tăng trở lại nhưng Saigon Ground Services cho biết công ty vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, sự phục hồi của ngành hàng không không đồng đều. Tăng trưởng chủ yếu tập trung vào hàng không nội địa, ngay cả các sân bay cũng có sự tăng trưởng không đồng đều, có sự cách biệt lớn.
Cụ thể, tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, hoạt động khai thác vẫn chưa ổn định, chủ yếu phục vụ các hãng hàng không trong nước với tần suất khá thấp, thị trường quốc tế trọng điểm Nga và Trung Quốc vẫn chưa khai thác trở lại, vì vậy trong năm 2022, chi nhánh Cam Ranh của công ty tiếp tục lỗ năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi bùng phát dịch Covid-19.
Đáng chú ý, Saigon Ground Services cho biết, tình hình công nợ kéo dài do các hãng hàng không gặp khó khăn về dòng tiền, nhất là các hãng hàng không trong nước. Công ty dự báo các hang quốc nội vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc với ngân hàng liên quan đến các gói vay mới, khiến việc thu hồi nợ còn nhiều khó khăn.
Trong năm 2023, công ty cho biết sẽ khó tăng trưởng do slot và hạ tầng quá tải. Năm nay, các hãng hàng không nội địa đã có kế hoạch tăng số lượng máy bay khai thác, nhất là máy bay thân rộng. Các hãng này sẽ tăng khai thác cả quốc nội và quốc tế, cạnh tranh trực tiếp với các hãng quốc tế (hãng Jetstar Asia sẽ tạm dừng chuyến bay TPHCM – Singapore từ lịch bay mùa hè khi các hãng nội địa tăng khai thác thị trường Singapore). Do đó, tổng sản lượng phục vụ có thể tăng nhưng doanh thu từ các hãng quốc tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.