Chiều 20/8, tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư, CTCP Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HAG) đã có những chia sẻ về mảng kinh doanh heo của tập đoàn. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) khẳng định với nhà đầu tư HAGL nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ do phân phối chưa ổn, nhưng lỗ không đáng kể.
“ Nói HAGL nuôi heo lỗ là hoàn toàn không đúng, sai bét ” bầu Đức nói.
Ông Đức nhấn mạnh phải phân biệt giữa HAGL và Bapi là 2 công ty độc lập pháp nhân, HAGL chỉ tham gia Bapi trên 30%, nếu lỗ thì lỗ liên kết, không nhiều.
Mặc dù vậy, lãnh đạo HAGL cũng thẳng thắn thừa nhận năm 2022 hệ thống phân phối Bapi của HAGL không đủ sức cạnh tranh, trong khi thực tế rất khốc liệt. Về việc phân phối, năm ngoái Bapi đã mở gần 200 cửa hàng nhưng hệ thống này không đạt yêu cầu, ghi nhận lỗ. Vì vậy, HAGL đã giảm số lượng cửa hàng xuống chỉ còn 52 cửa hàng, siêu thị (trong đó 46 cửa hàng đặt tại TP.HCM) tính đến hiện nay.
Thương hiệu heo ăn chuối Bapi ra đời vào năm 2022 cùng với sự ra đời của công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai, sự hợp tác giữa tập đoàn HAGL và Công ty dược phẩm Đông Á.
Ban đầu khi mới thành lập, Bapi có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, CTCP HAGL chiếm 55% vốn góp, CT TNHH TM dược phẩm Đông Á chiếm 40% vốn góp, còn lại 5% vốn góp là của cá nhân bà Hoàng Thị Kim Nhung (sau này được chuyển lại cho bà Lê Minh Nguyệt).
Đến đầu năm 2023, HAGL bất ngờ tuyên bố chuyển nhượng bớt cổ phần của Bapi, cụ thể bầu Đức cho biết mời thêm ông Đỗ Xuân Diện tham gia nắm 35% vốn tại Bapi. Như vậy sau khi hoàn tất việc phát hành và tăng vốn, Bapi không còn là công ty con của HAGL và chỉ sẽ sở hữu 3,4 triệu cổ phần, tương đương 34% vốn tại công ty này.
Thời điểm đó, trả lời báo chí, ông Đức cho biết: ” Chuyển nhượng cửa hàng heo ăn chuối là kêu thêm đối tác chứ không phải lỗ”.
Trên thực tế, vào ngày 16/01/2023, Bapi thay đổi ĐKKD, nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, đồng thời sở hữu của 2 cổ đông sáng lập là Dược phẩm Đông Á và HAGL giảm lần lượt xuống còn 31% và 34%.
Như vậy, trong năm 2023, cả Dược phẩm Đông Á và HAGL giảm tỷ lệ sở hữu tại Bapi nhưng tăng về giá trị góp vốn theo số tuyệt đối:
– HAGL: Góp vốn từ 27,5 tỷ đồng (chiếm 55%) thành 34 tỷ đồng (chiếm 34%)
– Dược phẩm Đông Á: Góp vốn từ 20 tỷ đồng (chiếm 40%) thành 31 tỷ đồng (chiếm 31%).
Hiện nay, ông Đỗ Xuân Diện – Chủ tịch HĐQT công ty trở thành người đại diện theo pháp luật cùng với ông Đinh Văn Lộc.
Cửa hàng Bapi Food đầu tiên ra mắt vào tháng 10/2022 tại TP Hồ Chí Minh và sau đó liên tiếp khai trương các cửa hàng mới vào cuối năm 2022. Chi phí đầu tư ban đầu để mở mới 1 cửa hàng khá lớn, từ 600 – 700 triệu đồng và phải mất nhiều thời gian, từ tìm kiếm mặt bằng, thiết kế, tuyển nhân viên, lắp đặt phần mềm,… thông tin theo chia sẻ của ông Đinh Văn Lộc – CEO Bapi HAGL.
Từ số liệu này có thể thấy để có được gần 200 cửa hàng như chia sẻ của lãnh đạo Bapi HAGL, doanh nghiệp đã phải đầu tư cả trăm tỷ đồng, cũng tương đương việc “dẹp bớt” hơn 140 cửa hàng sau 1 thời gian ngắn hoạt động sẽ khiến Bapi HAGL lỗ một khoản chi phí cố định không nhỏ.
Ngoài các cửa hàng offline thì tháng 11/2022, Bapi HAGL đã cho ra đời kênh online.
Ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL, cho biết sau đại dịch COVID-19, người Việt đã thành thạo trong việc mua sắm trên kênh thương mại điện tử nên HAGL rất kỳ vọng vào việc thúc đẩy kinh doanh qua kênh online. Ngoài website chính thức, HAGL còn có ứng dụng (app) Bapi và kênh online của các chuỗi thực phẩm có quầy Bapi.
” Hệ thống của chúng tôi đầu tư để có thể xử lý 10.000 đơn/ngày trong năm nay và tăng lên 100.000 đơn hàng năm 2023 ” – ông Đinh Văn Lộc tiết lộ tại thời điểm ra mắt website.
Ngoài heo ăn chuối là sản phẩm “đinh” thì dự định đưa gà chạy bộ hay các sản phẩm rau sạch trồng tại trang trại Gia Lai vào hệ thống Bapi Food cũng được bầu Đức xác nhận trong buổi họp ngày 21/8 vừa qua là không tiếp tục thực hiện.