Trong tháng 3/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã ấm dần lên với 26,9 nghìn tỷ đồng được phát hành, gấp 13 lần so với tháng trước và chỉ giảm 8,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nếu tính trên số lượng tổ chức phát hành, mới chỉ có 13 tổ chức phát hành trái phiếu trong tháng ba, so với con số là 38 tổ chức phát hành trong cùng kỳ năm ngoái.
Con số đó cho thấy thị trường TPDN đã cải thiện đáng kể so với những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, song vẫn tập trung ở một số nhà phát hành lớn mà chưa có sự lan tỏa và sôi động trở lại được như cùng kỳ.
Gần đây chính phủ đã ban hành nhiều chính sách góp phần hỗ trợ thị trường TPDN, kể đến như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP giúp giảm bớt các khó khăn tạm thời và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thương lượng với nhà đầu tư trái phiếu để tái cấu trúc các khoản nợ; NĐ 10/2023/ND-CP giúp tháo gỡ bớt vướng mắc pháp lý cho ngành bất động sản, hay gần đây là thông tư 02 và thông tư 03 sửa đổi thông tư 16 cũng sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp có sức khỏe tốt nhưng gặp vấn đề tạm thời về dòng tiền.
Trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm 5% thị trường
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu VinaCapital – cho biết: “Các chính sách nói trên sẽ hỗ trợ được một phần khó khăn của thị trường, tuy nhiên để thị trường có thể khôi phục và phát triển lành mạnh, chúng tôi cho rằng cần thêm thời gian để các chính sách có thể thẩm thấu, cùng với các biện pháp đồng bộ khác cần được thực hiện như tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, thì sức khỏe của doanh nghiệp mới dần hồi phục, và từ đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể dần ổn định trở lại”.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, đó là tăng cường tính minh bạch của thị trường. VinaCapital đánh giá rất cao việc hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sắp được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, còn một loại hình trái phiếu cần được thúc đẩy phát triển hơn nữa. Đó là trái phiếu phát hành ra công chúng.
Hiện, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm 5% thị trường, còn lại là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong khi đó, các điều kiện về sức khỏe tài chính đối với tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng chặt chẽ hơn nhiều, các thông tin cũng đòi hỏi được công bố rộng rãi minh bạch hơn, nhưng trở ngại hiện nay nằm ở thủ tục và thời gian xử lý hồ sơ phát hành khá lâu, khiến doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành và là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp muốn phát hành loại trái phiếu này.
Quy mô TPDN Việt Nam hiện chỉ đạt 14% GDP, tương đương Thái Lan 10 năm về trước
Về dài hạn, bà Thu khẳng định ở các nền kinh tế đã và đang phát triển, thị trường trái phiếu là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, bên cạnh vốn vay ngân hàng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Riêng Việt Nam, kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế vẫn phải dựa nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng khi quy mô tín dụng ngân hàng vẫn vượt xa quy mô của thị trường cổ phiếu và quy mô thị trường TPDN. Tuy nhiên tín dụng ngân hàng khó có thể cung ứng đủ nhu cầu vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp do tính chất nguồn vốn huy động chủ yếu của ngân hàng vẫn là ngắn hạn. Trong khi đó, kênh dẫn vốn trái phiếu giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để có thể đẩy mạnh đầu tư vào các dự án dài hạn hơn như cơ sở hạ tầng, nhà máy xí nghiệp, hay các hoạt động đầu tư kinh doanh dài hạn, giúp nền kinh tế phát triển. Điều này rất quan trọng, đặc biệt ở nước đang phát triển như Việt Nam.
Ở các nước trong khu vực, quy mô thị trường TPDN trên GDP đạt 54% ở Malaysia, 28% ở Singapore, hay 26% ở Thái Lan, trong khi ở Việt Nam, con số này mới ở mức 14% GDP, chỉ tương đương với mức của Malaysia, Thái Lan 10 năm trước đây.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu quy mô thị trường TPDN chiếm 20% GDP tới năm 2025 và đạt tối thiểu 25% tới năm 2030, cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Mới đây, Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo thịnh VinaCapital (VinaCapital-VFF) cũng vừa công bố tình hình kinh doanh với mức lợi nhuận bình quân trong 10 năm hoạt động của quỹ đạt 7,7%/năm, tính tới cuối tháng 3-2023, cao hơn đáng kể so với mức lợi nhuận bình quân chỉ số tham chiếu (4,5%/năm), là trung bình của lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2022, quỹ có tỷ suất sinh lời 8% và là quỹ trái phiếu hoạt động tốt nhất Việt Nam trong hai năm liên tiếp.
Dưới góc nhìn người tham gia thị trường, VinaCapital khuyến nghị khi đầu tư trái phiếu cần nhà đầu tư hiểu về doanh nghiệp, có kiến thức phân tích cơ bản để xác định được rủi ro tín dụng đi kèm với lợi tức trái phiếu nhận được, xác định một số đặc điểm của trái phiếu như tài sản đảm bảo là gì và được quản lý tài sản đảm bảo như thế nào và cuối cùng nhà đầu tư cần đọc kỹ bản công bố thông tin, các điều kiện điều khoản của trái phiếu có phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư hay không.
“Thông thường, với những nhà đầu tư không chuyên, chúng tôi thường khuyên khách hàng đầu tư vào chứng chỉ quỹ trái phiếu thay vì trực tiếp đầu tư vào trái phiếu. Do chứng chỉ quỹ trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu các rủi ro nêu trên như rủi ro tín dụng nhờ danh mục đầu tư quỹ đa dạng hóa giảm thiểu rủi ro tập trung”, bà Thu nói thêm.