”Consumer of things thay vì chỉ hướng đến 100 triệu người Việt Nam thì giờ đây sẽ là 8 tỷ người trên toàn thế giới ” – tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Tập đoàn Masan được tổ chức ngày 24/4, CEO Masan Consumer Holdings (MCH) Trương Công Thắng đã công bố chiến lược chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng quốc tế, đưa hàng Việt Nam phủ khắp toàn cầu qua màn diễn thuyết ấn tượng.
Trên khán đài, vị CEO cầm trên tay gói “lẩu tự sôi” do Masan sản xuất và tuyên bố: ”Món lẩu bò riêu cua của Hà Nội sẽ không chỉ là sản phẩm thông thường như thường thấy ở siêu thị mà là “lẩu tự sôi”. Không cần bếp ga, không cần dùng nước nóng để làm nở đồ khô, kể từ bây giờ, người tiêu dùng sẽ được sử dụng nguyên liệu tươi hoàn toàn “.
Theo đó, chỉ cần một chai nước suối để gói lẩu tự sôi sinh nhiệt, dù ở bất kỳ ở đâu trên thế giới, người tiêu dùng có thể thưởng thức trọn vị bún, cháo, miến phở của Việt Nam mà không cần đun nấu.
Thông qua sáng tạo mới, Masan Consumer đã mở ra ra cho mình một lối đi riêng trong tham vọng truyền bá ẩm thực truyền thống ra thế giới, cùng với đó là cơ hội chiếm lĩnh thị trường khi ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào làm như Masan.
Đặt mục tiêu đến năm 2027, hoạt động kinh doanh thị trường toàn cầu sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu của Masan Consumer Holdings. Ông Trương Công Thắng nói: ” Các nhãn hiệu Chin-su, Omachi, Vinacafe sẽ go global trong giai đoạn 2023-2027 “.
Thực tế, chiến lược go global được thực thi khi vào tháng 3 vừa qua, Masan đã ra mắt bộ sưu tập các sản phẩm Gia vị mang thương hiệu Chin-su tại Japan Foodex. Theo đó, bộ sưu tập sẽ được phối song hành tại 2 thị trường Việt Nam, Nhật Bản trong thời gian tới.
Cam kết với chiến lược mở rộng thị phần các sản phẩm chất lượng cao ra thế giới, Masan cũng đã tái khởi động Trung tâm R&D thế hệ mới theo chuẩn Hàn Quốc và Đài Loan. Masan sẽ phát triển sản phẩm dựa trên tiêu chí: đạt tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe toàn cầu/khu vực; bao bì đẳng cấp thế giới; sở hữu công nghệ/kĩ thuật tốt nhất cho từng dòng sản phẩm; và đặc biệt là có mùi vị và hương vị vượt trội.
Chưa dừng lại, thay vì tiếp nối con đường và cách thức đã đi hàng chục năm nay, Masan sẽ thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu. Công ty sẽ xây dựng 5 Trung tâm Thấu hiểu Người tiêu dùng và Cải tiến (CIC – Consumer Intelligent Center) trên khắp Việt Nam để hiểu rõ hơn về người tiêu dùng từ đó phát triển sản phẩm và nội dung truyền thông phù hợp.
Chi tiết, với dữ liệu thông thường, Masan có, công ty khác cũng có. Vì vậy, Masan sẽ nhìn thấy hành vi người tiêu dùng ở bình diện rộng rãi, sâu sắc, bằng cách xây 5 trung tâm CIC kể trên. ” Hàng triệu khách hàng dùng thẻ Hội viên, ngồi ngay tại trung tâm này và có thể gội đầu, chải tóc và đánh gia ngay sản phẩm tại chỗ, cho chúng ta dữ liệu tại chỗ ” – CEO MCH mô tả về cách công ty tiên phong thiết lập một mô hình xây dựng thương hiệu khác biệt.
Ngoài ra, Masan sẽ phân bổ 50% ngân sách Marketing cho kênh kỹ thuật số vào cuối năm 2023 và tái cấu trúc công ty để khai thác hết tiềm năng của mỗi nhóm ngành.
Điều chỉnh cách thức bán hàng để phù hợp với hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng ở khu vực thành thị, và sự tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử cũng là một khâu cốt lõi. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ tăng tỷ trọng doanh thu từ kênh bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử từ 40% lên 60% vào cuối năm 2025. Đồng thời, Masan sẽ ra mắt các kênh phân phối mới để tiếp cận người tiêu dùng mua sắm trên đa kênh (GT).
Bên cạnh đó để mở rộng mạng lưới, gia tăng lợi ích hội viên, Công ty có kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi trong và ngoài nước. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Masan đã công bố đối tác đầu tiên, chương trình “Đồng thành viên” với Lazada, nơi người tiêu dùng có thể tận hưởng trải nghiệm O2O (Online to Offline) với các sản phẩm và dịch vụ như hàng tạp hóa, tiêu dùng hàng ngày từ WinCommerce, đồ điện tử tiêu dùng, thời trang & làm đẹp từ Lazada. Chương trình đồng thành viên dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6 năm 2023.