CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố bảng xếp hạng Top Công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2024, trong đó một biến động đáng chú ý.
Trong nhóm ngành chuỗi cửa hàng cà phê, đồ uống, và nhượng quyền, 4 vị trí đầu tiên không biến động so với xếp hạng của năm 2023. Tập đoàn Trung Nguyên Legend do ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn vững vàng ở vị trí số 1.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng lần lượt thuộc về những tên tuổi quen thuộc là Highlands, Phúc Long, và Starbucks, những ‘ông lớn’ này vẫn giữ vững vị trí trong lòng người tiêu dùng.
Thay đổi lớn nhất trong năm nay là sự xuất hiện của Phê La ở vị trí thứ 5. Phê La đã thay thế The Coffee House, thương hiệu từng nằm trong danh sách năm ngoái nhưng đã bị loại khỏi bảng xếp hạng năm nay.
Được biết, Phê La và Katinat là 2 thương hiệu ‘cùng nhà’, được điều hành bởi nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim – là vợ của ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI). Hiện, Phê La đã chạm mốc 20 cửa hàng trên cả nước, với chi nhánh mới nhất vừa mở tại phố cổ Hội An, Đà Nẵng và ghi nhận doanh thu gần 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng vài chục tỷ đồng trong năm 2023 (theo số liệu từ Vietdata).
Bên cạnh nhóm chuỗi cửa hàng cà phê, đồ uống, Vietnam Report đã vinh danh Top 5 công ty uy tín trong nhóm ngành chuỗi nhà hàng, đồ ăn, và nhượng quyền. Dẫn đầu danh sách này là Golden Gate, công ty hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Vị trí á quân đã có sự biến động mạnh khi chuỗi cửa hàng gà rán Jollibee tới từ Philippines đã vượt mặt KFC để xếp số 2, còn KFC lùi 2 bậc xuống vị trí số 4. Đồng thời, thương hiệu đình đám Lotteria bị loại khỏi bảng xếp hạng mà thay vào đó là thương hiệu Pizza 4P’s.
>> Top 10 công ty uy tín ngành Thực phẩm – Đồ uống năm 2024
Theo Vietnam Report, năm 2023 là một năm đầy biến động với nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động mạnh mẽ đến ngành F&B. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với các xung đột như Nga – Ukraine và Hamas – Israel, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế và thương mại toàn cầu. Ngành Thực phẩm – Đồ uống Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này khi phải đối mặt với tình trạng chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đặt ra nhiều áp lực lên các doanh nghiệp trong ngành, buộc họ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, theo khảo sát của Vietnam Report, ngành F&B Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đạt được kết quả ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu đã tăng từ 66,7% lên 93,3%, cho thấy sự phục hồi và phát triển đáng khích lệ. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng lợi nhuận đạt tới 86,7%, vượt qua cả tỷ lệ của năm 2022, thể hiện sự bền bỉ và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh đầy biến động.
Về Vietnam Report, bảng xếp hạng uy tín này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan, với ba tiêu chí chính. Đầu tiên, năng lực tài chính của các công ty được đánh giá thông qua báo cáo tài chính năm gần nhất, đảm bảo phản ánh được sức mạnh tài chính của từng doanh nghiệp. Thứ hai, uy tín truyền thông của các công ty được đánh giá bằng phương pháp Media Coding, tức mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng. Cuối cùng, Vietnam Report thực hiện khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan trong tháng 8/2024 để hoàn thiện bảng xếp hạng.
>> Bà chủ kín tiếng đứng sau 2 chuỗi Katinat, Phê La
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/phe-la-the-cho-the-coffee-house-lot-top-5-chuoi-f-b-uy-tin-nhat-viet-nam-159021.html