Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong vì ung thư, tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư, số người mắc ung thư tại nước ta tăng 2,6 lần trong hơn 2 thập kỷ.
Đây là dữ liệu về ung thư được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) khảo sát và ghi nhận hàng năm, công bố gối đầu. Số liệu mới nhất là Globocan 2022 được công bố vào năm 2023.
Có thể thấy, số ca bệnh ung thư ngày càng tăng và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam đã tiếp cận với những tiến bộ trên thế giới, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.
Các doanh nghiệp dược tại Việt Nam cũng đã và đang không ngừng nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị ung thư nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí và cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Bidiphar – doanh nghiệp tiên phong thành công sản xuất thuốc điều trị ung thư
CTCP Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar – mã chứng khoán DBD) là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư. Năm 2010, Bidiphar gây tiếng vang khi ra mắt sản phẩm Bocartin 150mg. Đến năm 2016, công ty tiếp tục khẳng định vị thế với dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP – WHO, cho ra đời nhiều sản phẩm khác như Lyoxatin, Bestdocel.
Hiện nay, Bidiphar đã có gần 40 sản phẩm thuốc điều trị ung thư, giúp người bệnh tiếp cận với các loại dược phẩm chất lượng cao tương đương với sản phẩm ngoại nhập. Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao của Bidiphar, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, đã chính thức đi vào hoạt động năm 2022, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cung ứng thuốc điều trị ung thư nội địa.
Sản phẩm thuốc điều trị ung thư của Bidiphar được tin dùng tại các bệnh viện tuyến đầu ngành như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai,… và các cơ sở y tế có khoa ung bướu trên toàn quốc.
Đặc biệt, theo đơn vị này, mức giá sản phẩm Bidiphar cạnh tranh hơn so với thuốc nhập khẩu từ châu Âu trung bình 40% và châu Á khoảng 20%, giúp giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình.
Với những lợi thế của doanh nghiệp tiên phong, tình hình kinh doanh của Bidiphar cũng rất khả quan khi liên tiếp tăng trưởng. Năm 2022, năm công ty lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận với doanh thu đạt xấp xỉ 1.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 244 tỷ đồng.
Năm 2023, Bidiphar đã vượt đỉnh với doanh thu thuần đạt mức 1.652 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 269 tỷ đồng, tăng trưởng 10%.
>> Viettel Post làm ăn ra sao trước khi Chủ tịch Nguyễn Thanh Nam từ nhiệm?
Năm 2024, Bidiphar lên kế hoạch doanh thu chạm mốc 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tương đương thực hiện 2023, là 320 tỷ đồng. Nếu hoàn thành được mục tiêu này, công ty sẽ tiếp tục tạo ra thành tích mới về cả doanh thu và lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 817 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 140 tỷ đồng, giảm 2%. So với kế hoạch cả năm, công ty thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và gần 52% mục tiêu lợi nhuận.
Đối với các dự án đầu tư mới, Bidiphar có hạng mục đầu tư mới dự án nhà máy OSD – Non Betalactam, tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng, dành cho dây chuyền sản xuất thuốc uống dạng rắn. Nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU, công suất 1.3 tỷ sản phẩm/năm (tương đương 100 tấn/năm), được xây dựng ở Khu kinh tế Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Theo kế hoạch, nhà máy được khởi công vào năm 2025.
Trên thị trường, cổ phiếu DBD cũng là một trong số các cổ phiếu ngành dược được nhà đầu tư săn đón, thanh khoản ổn định với hàng chục nghìn đến trăm nghìn cổ phiếu giao dịch mỗi phiên.
DBD đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/8 ở mức 40.900 đồng/cổ phiếu; vốn hóa doanh nghiệp đạt hơn 3.800 tỷ đồng.
>> Manulife Việt Nam ‘ôm’ 22.000 tỷ đầu tư chứng khoán và trái phiếu, thoát lỗ nhờ thu nhập khác
Các doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư khác của Việt Nam
CTCP Thuốc ung thư Benovas, được thành lập năm 2017 bởi Dược phẩm Cửu Long và SCIC, là dự án sản xuất thuốc ung thư đầu tiên tại Việt Nam. Với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, Benovas dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất và nhập khẩu sáu loại thuốc ung thư phổ biến. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện kế hoạch này đã không đạt được như mong đợi.
>> Hé lộ danh tính doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm mới được Bộ Tài chính cấp phép
Năm 2020 SCIC thông báo chào bán cạnh tranh cổ phần tại Benovas. Số cổ phần mang ra chào bán 2,9 triệu đơn vị tương ứng 29% vốn điều lệ công ty. Giá khởi điểm trọn lô khoảng 33 tỷ đồng.
Tuy vậy công cuộc thoái vốn khỏi Benovas của SCIC vẫn kéo dài dai dẳng nhiều năm. Theo báo cáo thường niên năm 2023, Dược phẩm Cửu Long đang sở hữu 84% tại Benovas và hiện tại công ty này vẫn chưa phát sinh doanh thu. Hoạt động chính trong năm của công ty này là đầu tư tài chính vào các cổ phiếu chưa niêm yết và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Cuối năm 2023, HĐQT Dược phẩm Cửu Long (DCL) cho hay đã thế chấp gần hết số cổ phần đang sở hữu tại công ty con là Thiết bị y tế Benovas với giá trị gần 100 tỷ đồng, để bảo đảm cho khoản vay của công ty con này tại ngân hàng VietinBank chi nhánh Thành An.
Đối với công ty mẹ Dược phẩm Cửu Long, tình hình kinh doanh cũng không quá ổn định, 6 tháng đầu năm 2024, dù doanh thu đạt 283 tỷ đồng, tăng gần 10% nhưng lợi nhuận giảm mạnh 37% khi chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng. Lý giải về sự chênh lệch này, doanh nghiệp báo cáo là do lợi nhuận từ công ty mẹ tăng 0,1% so với quý II/2023 và lợi nhuận sau thuế của công ty con làm giảm lợi nhuận sau thuế của báo cáo hợp nhất là 6,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.
>> Hảo Hảo, Chinsu, Coca Cola và Vinamilk – những sản phẩm được người Việt mua nhiều nhất
Một tên tuổi khác, CTCP Công nghệ Sinh học Dược Nanogen, nổi tiếng với nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, cũng đang tích cực tham gia vào lĩnh vực thuốc điều trị ung thư. Nanogen hiện đang phát triển một loại thuốc kháng thể đơn dòng có tên Trastuzumab, dùng để điều trị ung thư vú. Sản phẩm này hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được kỳ vọng sẽ sớm ra mắt thị trường, góp phần vào cuộc chiến chống ung thư tại Việt Nam.
Trường học đặc biệt là thương hiệu mang tên Vinaca gây xôn xao khi ra mắt sản phẩm Vinaca Co 3.2 hồi năm 2018, được quảng cáo là thuốc điều trị ung thư từ bột tre than. Tuy nhiên, sản phẩm này sau đó bị phát hiện là hàng giả, khiến giám đốc công ty bị kết án 22 năm tù. Đây là bài học cảnh báo về việc kiểm soát chất lượng trong sản xuất và kinh doanh dược phẩm, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người.
Lãnh đạo Bệnh viện K từng nói, thế giới có thuốc mới điều trị ung thư như thế nào, người bệnh Việt Nam đều có, nhưng giá thuốc còn cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội được sử dụng, trong khi thuốc lại thay đổi thường xuyên. Việc sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam không chỉ mở ra nhiều cơ hội điều trị cho bệnh nhân mà còn góp phần giảm chi phí điều trị. Các doanh nghiệp dược phẩm trong nước, dù ở các giai đoạn phát triển khác nhau, đều đang nỗ lực để mang lại những sản phẩm chất lượng, giúp người bệnh có thêm hy vọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác này.
>> 2 bệnh viện hiếm hoi niêm yết trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/nhung-doanh-nghiep-san-xuat-thuoc-dieu-tri-ung-thu-tai-viet-nam-dang-lam-an-ra-sao-153941.html