Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hàng loạt doanh nghiệp Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, Marvell được đánh giá rất cao nhờ vào dự án về Trung tâm thiết kế vi mạch tại thành phố mang tên Bác. Đây được đánh giá sẽ là 1 trong 4 trung tâm nghiên cứu phát triển hàng đầu của Marvell trên toàn cầu, bên cạnh Mỹ, Israel và Ấn Độ.
Trong buổi lễ thành lập, Tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cao cấp về mảng Kết nối Quang và Đồng của Marvell đã có bài chia sẻ về tầm quan trọng của dự án. Ít ai biết rằng, ông là nhân vật quan trọng đứng sau Inphi Corporation, công ty đã được Marvell mua lại với giá 10 tỷ USD cách đây 2 năm.
Người Việt đằng sau công ty được Marvell mua lại với giá 10 tỷ USD
Tiến sĩ Lợi Nguyễn sinh năm 1960, là môt người Mỹ gốc Việt sinh ra tại Tp.HCM. Hiện nay, ông là Phó chủ tịch cao cấp về mảng Kết nối Quang và Đồng tại Marvell kể từ năm 2021, khi Inphi – công ty được ông đồng sáng lập được Marvell mua lại với cái giá lên tới 10 tỷ USD.
Thực tế, 10 năm trước, Marvell làm chủ yếu về các sản phẩm lưu trữ (storage). Khi Marvell mua lại Inphil và ông Lợi trở thành Phó chủ tịch cao cấp của Marvell thì Marvell mới mở rộng sang mảng kết nối quang (optical connectivity)
Khi Inphi mua lại eSilicon và Arrive Technology – 02 Công ty tư nhân có trụ sở tại TP.HCM, TS.Lợi Nguyễn đã trở thành lãnh đạo bảo trợ cho các hoạt động của Marvell tại Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Thiết kế Vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM.
Trước khi làm việc tại vị trí này, ông lấy bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) tại Đại học UCLA năm 1997 và bằng Tiến sỹ ngành Kỹ thuật Điện của Đại học Cornell năm 1989.
Trong giai đoạn từ năm 1984 tới 1988, ông làm việc tại Trung tâm Khoa học Vật lý Honeywell ở Bloomington, Minnesota, đồng thời viết luận văn tốt nghiệp về sự phát triển của thiết bị GaAs
(gallium arsenide)
. Chính luận văn này là tiền đề cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ GaAs dùng cho vệ tinh phát sóng trực tiếp, radio ô tô và quốc phòng.
Hình ảnh tiến sỹ Lợi Nguyễn trên trang chủ của Marvell
Sau khi lấy bằng Tiến sỹ, năm 2000, ông cùng với 2 người khác thành lập ra Inphi, công ty chuyên cung cấp các giải pháp bán dẫn quang, DSP, dịch vụ viễn thông, đám mây và analog tốc độ cao cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Inphi đã xây dựng được một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao hàng đầu, cung cấp kết cấu này cho các trung tâm dữ liệu đám mây, mạng truyền dẫn có dây và không dây.
1 năm trước khi được bán lại cho Marvell, doanh nghiệp này từng được gọi là “kỳ lân” công nghệ với đạt doanh thu 683 triệu USD, tổng tài sản hơn 1 tỷ USD, nhưng chịu khoản lỗ khoảng 60 triệu USD. Tuy nhiên những công nghệ mà Inphi sở hữu đủ sức thuyết phục gã khổng lồ chi ra tới 10 tỷ USD cho thương vụ mua lại nhằm củng cố, mở rộng trung tâm dữ liệu và mảng kinh doanh 5G.
Các sản phẩm của Inphi (Ảnh: BCTN của Inphi)
Sau khi bán Inphi và làm việc ở vị trí hiện tại, ông Lợi Nguyễn chịu trách nhiệm về các dòng sản phẩm quang học, kết nối tốc độ cao và PHY của Marvell.
Tính tại tháng 9/2023, ông nắm giữ gần 230.000 cổ phiếu của Marvell có giá trị hơn 12 triệu USD.
Tiến sĩ Lợi Nguyễn hiện nắm giữ 7 bằng sáng chế tại Mỹ và là tác giả của trên 50 ấn phẩm khoa học, đồng thời cũng là thành viên trong Uỷ ban kỹ thuật của IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers – Viện Kỹ sư Điện và Điện tử).
Năm 1992, Tiến sĩ nhận được giải thưởng IEEE Paul Rappaport danh giá cho Bài báo hay nhất được xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội, nhờ thiết lập kỷ lục thế giới về tần số cắt cho bóng bán dẫn tốc độ cao.
Việc mở một trung tâm bán dẫn tại Việt Nam đem lại nhiều cơ hội
Trong thời gian gần đây, với việc Marvell sẽ đầu tư một trung tâm nghiên cứu và phát triển cho mảng bán dẫn mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam, Tiến sĩ Lợi Nguyễn cũng đã có những chia sẻ về ngành.
Ông cho biết, một trong những thách thức của ngành bán dẫn toàn cầu là thiếu hụt liên quan tới nghiên cứu kỹ thuật, do đó, việc mở một trung tâm tại Việt Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội, thu hẹp khoảng cách về trình độ và thúc đẩy ngành công nghiệp kỹ thuật cao này tại nước ta.
Tiến sĩ cũng đại diện cho Marvell trao 10 suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc của những trường Đại học tại Việt Nam, đánh dấu sự quyết tâm cho việc đầu tư mảng bán dẫn tại đây. Marvell sẽ thu hút những nhân tài tại Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái về bán dẫn Việt Nam một cách bền vững trong nhiều năm tới.
Với hơn 20 năm hoạt động và có những đóng góp to lớn trong ngành bán dẫn tại hai công ty là Inphi và Marvell, những chia sẻ quý báu của Tiến sĩ Lợi Nguyễn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát triển mảng công nghiệp kỹ thuật cao này tại Việt Nam.
Khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Marvell được hoàn thành, thị trường kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được những lời tư vấn quý giá của vị Tiến sĩ này để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa việc phát triển ngành bán dẫn trong tương lai.