TAND thành phố Hà Nội đã công bố bản án vụ Tập đoàn FLC và Trịnh Văn Quyết. Theo số liệu thống kê, tại thời điểm FLC Faros bị hủy niêm yết vào ngày 5/9/2022, có tổng cộng 63.075 nhà đầu tư sở hữu hơn 567,59 triệu cổ phiếu ROS.
Những nhà đầu tư này không phải là những người đã mua cổ phiếu trong đợt phát hành ban đầu, nhưng họ vẫn là những người sở hữu cổ phiếu đã bị nâng khống giá trị và chịu ảnh hưởng từ hành vi gian dối. Vì vậy, họ được xác định là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Trong suốt quá trình điều tra, xét xử vụ án, có 27.881/63.075 nhà đầu tư được xác định là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo tính toán của Tòa án dựa trên tỷ lệ nâng vốn khống, nhóm Trịnh Văn Quyết phải liên đới bồi thường cho các nhà đầu tư này với giá 5.466 đồng/cổ phiếu, tương ứng hơn 1.700 tỷ đồng.
Bản án nêu khá rõ, tuy nhiên đông đảo nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS vẫn khá hoang mang trong hành trình đòi bồi thường, liệu cần làm thêm các thủ tục gì khác hay chỉ cần chờ đợi?
Để hiểu hơn về trình tự thi hành án, chúng tôi có buổi trò chuyện với Luật sư Nguyễn Huy Độ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BFB về vấn đề này.
>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Vì sao danh sách nhà đầu tư được bồi thường 1.700 tỷ chỉ có 28.000 người?
– Thưa ông, với 27.881 nhà đầu tư có tên trong phụ lục 3.1 của bản án, là nhà đầu tư có yêu cầu bồi thường, tổng tiền được xác định là hơn 1.700 tỷ đồng. Các nhà đầu tư này cần làm những thủ tục gì để được nhận tiền?
Luật sư Nguyễn Huy Độ: Việc thi hành quyết định dân sự trong bản án hình sự được quy định tại Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo đó những bản án, quyết định được thi hành là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Vì vậy, trước tiên phải xác định bản án của TAND thành phố Hà Nội vừa công bố liên quan đến vụ án Trịnh Văn Quyết xảy ra tại tập đoàn FLC đã có hiệu lực hay chưa? Theo đó, trong trường hợp bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi hết thời hạn theo quy định của pháp luật thì bản án được xác định là có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định của pháp luật về việc yêu cầu thi hành bản án của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật, buộc các bị cáo (người phải thi hành án) phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó xác định rõ thông tin cá nhân, số tiền được bồi thường của từng người.
Họ được xác định là người được thi hành án, do vậy họ được quyền đề nghị cơ quan thi hành án thi hành bản án đối với nội dung có liên quan đến mình. Trường hợp này, người được thi hành án phải có đơn gửi cơ quan thi hành án.
>>Trịnh Văn Quyết và 2 em gái phải truy nộp, bồi thường bao nhiêu tiền?
Khoản 13 Điều 1 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 có quy định như sau: 1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
3. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
…….
Từ căn cứ pháp lý nêu trên, các nhà đầu tư cần phải có đơn yêu cầu thi hành án gửi Cơ quan thi hành án dân sự, kèm bản án có hiệu lực pháp luật cùng tài liệu khác có liên quan như bản sao chứng thực các tài liệu có liên quan như căn cước công dân; tài liệu liên quan đến tài khoản chứng khoán…
>> Bí ẩn La Mỹ Phượng: Doanh nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu ROS ‘chưa đòi bồi thường’
– Với những nhà đầu tư còn lại chưa có tên trong danh sách đã yêu cầu bồi thường, bản án ghi rõ “có thể khởi kiện”, vậy khởi kiện ở đây có nghĩa là gì? Là khởi kiện ở một vụ án dân sự khác, hay chờ để gửi đơn yêu cầu nếu vụ án tiếp tục xét xử phúc thẩm?
Luật sư Nguyễn Huy Độ: Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật ghi rõ các nhà đầu tư khác “có thể khởi kiện”, được hiểu là khởi kiện bằng một vụ án dân sự quy định của bộ luật tố tụng dân sự.
– Theo ông, những nhà đầu tư còn lại (ngoài 27.881 nhà đầu tư nói trên), cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
Luật sư Nguyễn Huy Độ: Trường hợp các nhà đầu tư khác không được xác định là bị hại hay là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các nhà đầu tư phải tiến hành khởi kiện bằng vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
– Số tiền các bị cáo nộp về trong vụ án, thứ tự ưu tiên xử lý thế nào? Những người bị hại được ưu tiên nhận tiền thế nào?
Luật sư Nguyễn Huy Độ: Việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án được quy định cụ thể tại khoản 20 Điều 1 Luật thi hành án sửa đổi năm 2014, cụ thể như sau:
“Điều 47 Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí, lệ phí Tòa án;
c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;
c) Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
.…
5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Trường hợp đương sự không đến nhận thì tiền, tài sản đó được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này”.
Trong vụ án xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC, bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án có thẩm quyền xác định nhiều người được thi hành án, sau khi trừ đi các khoản án phí, lệ phí theo quy định thì việc thanh toán cho những người được thi hành án sẽ được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.
>> BIDV và VietinBank đang ‘ôm’ cả 4 bất động sản bị kê biên của Trịnh Thị Minh Huế
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/goc-nhin-luat-su-vu-trinh-van-quyet-nguoi-co-lien-quan-can-lam-gi-de-nhan-lai-tien-152892.html