Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023 vẫn đạt hơn 40 tỷ USD nhờ một số một số thị trường ổn định và tăng trưởng khá. Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã tận dụng những cơ hội nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng, đa dạng hóa mặt hàng…
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt hơn 40 tỷ USD, giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá…
Tuy nhiên, trong một bức tranh khá ảm đạm, vẫn xuất hiện “điểm sáng”, đó là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng như: Nhật Bản, Austrailia, Ấn Độ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chưa năm nào ngành dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như năm nay với hơn 100 thị trường, vùng lãnh thổ, trong đó, thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Chúng ta phải bám rất sát theo yêu cầu của khách hàng chính là yêu cầu của thị trường, đặc biệt chúng ta nhìn thấy khi nhu cầu tiêu thụ dệt may trong năm 2023 giảm thì chúng ta cũng sẽ phải nhìn nhận lại, nhiều thị trường có chiến lược phát triển bền vững của các hãng đấy nhưng họ cũng cân đối, ở thời điểm này phải chậm lại, họ phải ưu tiên vẫn là các sản phẩm phổ thông trước”.
Rất nhiều nguyên nhân khiến sản xuất và xuất khẩu các ngành giảm, xung đột địa chính trị đã gây ra khủng hoảng về năng lượng; lạm phát tăng cao, lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt; chi phí tăng cao khiến hiệu quả sản xuất sụt giảm.
Để ổn định sản xuất trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải cắt giảm những chi phí không cần thiết, triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực, tập trung công tác tìm kiếm thị trường, đào tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ: “Nếu nói về lợi thế cạnh tranh của từng quốc gia, cụ thể hơn là của từng doanh nghiệp thì tôi cho rằng là tùy thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp, có một số thông tin, ví dụ như hiện nay Bangladesh vẫn tăng trưởng tốt hay là họ vẫn có những đơn hàng. Tuy nhiên, về góc độ của May 10 thì tôi cho rằng là những dòng hàng hiện nay của Tổng Công ty May 10 đang làm thì Bangladesh cũng khó có thể cạnh tranh được với chúng tôi. Hiện nay phân khúc của chúng tôi là những sản phẩm từ trung bình khá trở lên”.
Nhận định về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng năng suất, tìm ra phương thức sản xuất hợp lý nhất để có thể tiếp cận được thị trường, khách hàng, làm những đơn hàng khó và nhỏ mà các quốc gia xuất khẩu dệt may khác không làm được.
Môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, áp lực cạnh tranh ngày càng cao trong khi các lợi thế về chi phí của Việt Nam đã không còn như trước, đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu, sáng tạo các giá trị mới để duy trì thị trường và khách hàng.
“Muốn giữ được vị trí trong chuỗi thì nhiều khi phải làm những đơn hàng không hiệu quả, làm thì giữ được vị trí còn khi các nhà nhập khẩu đã thuê được người khác rồi thì sau này, doanh nghiệp Việt Nam quay lại cũng không dễ. Bối cảnh hiện nay đã có thay đổi, song khó khăn vẫn có thể kéo dài, thậm chí đủ dài để sàng lọc và loại khỏi “cuộc chơi” những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Thị trường sẽ lựa chọn những doanh nghiệp nào luôn đổi mới, sáng tạo” – ông Lê Tiến Trường nói.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nganh-det-may-tim-co-hoi-trong-thach-thuc-188231231203436165.chn