Thông tin vừa được bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại với các đối tác châu Mỹ” tại Hà Nội.
Bà Xuân cho biết, mới đây, LEFASO đã trình Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.
“Nguyên phụ liệu là yếu tố rất quan trọng với ngành thời trang, chiếm tỷ trọng rất lớn tới 65% trong giá thành sản phẩm. Nếu ngành thời trang Việt Nam có thể chủ động các nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì sẽ đáp ứng đơn hàng một cách nhanh chóng, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng cho ngành công nghiệp thời trang xuất khẩu, mở rộng quy mô đến năm 2030 đạt 100 tỷ USD”, bà Xuân lý giải.
Cũng theo bà Xuân, hướng tới mục tiêu Net Zero, gần đây, nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đặt ra hàng loạt quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao và phải đảm bảo quy tắc xuất xứ.
Các chính sách về tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn bền vững đang yêu cầu các chuỗi cung ứng ngày càng phải rõ ràng, minh bạch hơn; yêu cầu truy xuất nguồn gốc không chỉ ở nước sản xuất mà cả ở nước nhập khẩu.
Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang hoạt động hiệu quả sẽ giúp nguồn cung nguyên phụ liệu được minh bạch hơn.
Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang, đại diện LEFASO khuyến nghị, cần có sự tham gia của nhiều bên, và đặc biệt là chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi về các thủ tục, chính sách liên quan tới kho vận, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu…
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể về chính sách, điều kiện môi trường, vốn đầu tư… để sớm hình thành trung tâm. Rất mong những người có kinh nghiệm hỗ trợ tư vấn thêm cho chúng tôi”, bà Xuân nói.
Dự kiến, Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài; liên tục cập nhật xu hướng, công nghệ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước…
Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam là đề xuất mang tính chiến lược, có vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt.
Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới và Tạp chí World Footwear, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giày lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, chủ yếu nguồn nguyên liệu và phụ kiện của ngành dệt may – da giày Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên, phụ liệu nhóm ngành dệt may – da giày của Việt Nam ước khoảng 13,42 tỷ USD, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2023.
>>Hãng thời trang Nike gặp khó với giấy phép lao động nước ngoài tại TP. HCM
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/nganh-cong-nghiep-thoi-trang-viet-muon-thu-100-ty-usd-tu-xuat-khau-164084.html