“
Chúng ta nói về chuyển đổi số rất nhiều, nhưng mọi người có biết một trong 3 ưu tiên hàng đầu của chuyển đổi số chính là an ninh mạng, hay còn gọi là an toàn thông tin
”, ông Philip Hùng Cao – Phó Tổng Giám đốc VinCSS trình bày tại Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, NIC, BambuUP và Global PR Hub đồng tổ chức.
VinCSS là một startup bên trong Tập đoàn Vingroup từ năm 2018, đến năm 2022 trở thành CTCP Dịch vụ An ninh mạng VinCSS, hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu – phát triển, sản xuất các sản phẩm và cung cấp các dịch vụ an ninh mạng.
“
Bước sang năm 2023, chúng tôi đang tăng tốc, bắt đầu có những hoạt động thâm nhập thị trường khu vực và quốc tế. Đây là một định hướng kiên định đến từ ban lãnh đạo của VinCSS
”, ông Philip Hùng Cao nhấn mạnh.
Đề cập tới lĩnh vực hoạt động của VinCSS, ông cho biết theo một khảo sát của Gartner dành cho các giám đốc công nghệ thông tin trên toàn cầu hồi cuối năm ngoái, an ninh mạng lọt top 3 lĩnh vực được ưu tiên. Bên cạnh đó, giá trị của thị trường này trong năm 2024 được dự báo sẽ lên đến 225 tỷ USD, tăng trưởng 14,3% so với năm 2023.
VinCSS nhìn nhận an ninh mạng là thị trường vô cùng tiềm năng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo luôn trăn trở câu hỏi là: làm sao để một startup gần 5 năm tuổi từ Việt Nam có thể mạnh dạn vươn ra thế giới, định hình vai trò của mình trên bản đồ an toàn thông tin toàn cầu?
Việc đầu tiên mà VinCSS đã tiến hành là đổi mới sáng tạo trong chiến lược tiếp cận.
“
Lĩnh vực an ninh mạng có rất nhiều thị trường ngách bên trong. Chúng tôi phải đón đầu xu hướng bằng cách tăng tốc lựa chọn những ngách mà trên toàn cầu không có nhiều tay chơi.
Một trong những lĩnh vực mà chúng tôi lựa chọn là xác thực mạnh không mật khẩu. Bây giờ, chúng ta sẽ loại bỏ hoàn toàn mật khẩu trên tất cả các nền tảng công nghệ, ứng dụng trên mobile.
Đây là xu hướng rất mạnh mẽ trên toàn cầu, nhưng chúng tôi đã làm điều này từ năm 2018, tức là đi trước 5 năm. Đến nay, chúng tôi đã có một hệ sinh thái xác thực mạnh không mật khẩu toàn diện và từng bước đạt được các tiêu chuẩn quốc tế
”, ông Philip Hùng Cao cho biết.
Một công nghệ khác mà VinCSS đang theo đuổi là FDO. Đây là từ viết tắt của FIDO Device Onboard – tiêu chuẩn quốc tế thế hệ mới trong triển khai và đảm bảo an ninh cho thiết bị IoT. Theo ông Philip Hùng Cao, rất nhiều kẻ tấn công hiện nay nhắm vào IoT vì mọi người vẫn dùng mật khẩu mặc định.
Với giải pháp FDO đến từ Liên minh Xác thực trực tuyến Thế giới (FIDO Alliance), người dùng sẽ không cần tới mật khẩu mặc định cho thiết bị IoT, từ đó giảm nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị.
“
Từ năm 2022, trong đợt đầu tiên FIDO Alliance công bố dự án chúng tôi đã tham gia ngay lập tức. Chúng tôi đã làm được 2 sản phẩm thương mại là camera an ninh và bãi đỗ xe thông minh, trong khi hiện nay chỉ có 4 nhà cung cấp về công nghệ FDO trên toàn cầu. Ngoài VinCSS là 3 ông lớn rất quen thuộc, bao gồm Intel, Dell và Red Hat
”, ông Philip Hùng Cao trình bày.
Bên cạnh chiến lược tiếp cận đi vào thị trường ngách, để hiện thực hóa tham vọng vươn ra toàn cầu, lãnh đạo VinCSS tuyên bố họ sẵn sàng kết nối với tất cả các đơn vị, không chỉ quốc tế mà cả Việt Nam, cùng nhau đưa công nghệ xác thực không mật khẩu đến mọi nền tảng, từ đó giúp trải nghiệm của người dùng thêm mượt mà và an toàn.
Định hướng tiếp theo của VinCSS liên quan đến con người và văn hóa.
“
Thời gian vừa qua, chúng tôi đã âm thầm kết nối với những nhân tài về an ninh mạng người Việt trên toàn cầu để chuẩn bị cho hành trình ra thế giới. Chúng tôi luôn nghĩ rằng với tinh thần Việt, những con người đó dù sống và làm việc ở nước ngoài nhưng luôn hướng về Việt Nam, nếu kết hợp với chúng tôi sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn
”, ông Philip Hùng Cao nêu quan điểm.