Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong ngành thủy sản toàn cầu khi đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 915,9 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,32 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm trên 7% thị phần. Các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong tháng 7/2024 đạt 181,5 triệu USD, tăng 24,1% so với tháng 7/2023, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lên 963,7 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Trung Quốc cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh, đạt 156,4 triệu USD trong tháng 7/2024, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 836,7 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2024 đạt 135,7 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 839,8 triệu USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam lặng lẽ bứt phá, đứng nhì bảng về xuất khẩu
Các doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam cũng ghi nhận sự hồi phục tích cực. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho biết công ty đang tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu, với mức tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường chính. Doanh thu từ thị trường Trung Quốc, Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 259%, 59% và 33% so với tháng 1/2023.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Dù kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc, tốc độ tăng trưởng chậm cùng với giá cả lương thực, năng lượng và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao khiến áp lực lạm phát chưa giảm. Các xung đột địa chính trị cũng tiếp tục gây ra những thách thức đối với xuất khẩu thủy sản.
Mặc dù vậy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định rằng, cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu thủy sản tăng cường mua sắm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết. Điều này mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng xuất khẩu và tiến gần hơn đến mục tiêu đạt 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong cả năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, ngành thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề thị trường xuất khẩu và những vấn đề nội tại. Do đó, việc kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại là rất cần thiết.
Ngoài ra, thị trường nội địa cũng là một hướng đi quan trọng nhằm cân bằng cán cân cung cầu và giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Theo bà Sắc Thu, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn và cần được khai thác mạnh mẽ hơn.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Với thành tựu đã đạt được, ngành thủy sản không chỉ đóng góp giá trị đáng kể cho nền kinh tế quốc gia mà còn khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu. Mục tiêu đạt 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi nếu ngành tiếp tục phát huy những lợi thế hiện có và vượt qua những thách thức trong thời gian tới.
>> Lãi tăng vọt 58%, một doanh nghiệp thủy sản trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/mot-mat-hang-xuat-khau-cua-viet-nam-vuon-len-dung-thu-3-toan-cau-153251.html