Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã chứng khoán: VIF) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 với doanh thu đạt 769 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu là hoạt động kinh doanh thương mại gỗ với 348 tỷ đồng. Các mảng khác như bán thành phẩm từ gỗ và hoạt động khai thác trồng rừng lần lượt mang về 218 tỷ đồng và 132 tỷ đồng.
>> Hiện trường biển lửa bao trùm gần 14.000m2 nhà xưởng công ty đồ gỗ ở Đồng Nai
Sau khi khấu trừ giá vốn, Vinafor ghi nhận lợi nhuận gộp 136 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp đạt 18%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận giữa các mảng kinh doanh có sự chênh lệch đáng kể. Đặc biệt, mặc dù mảng kinh doanh thương mại gỗ đóng góp lớn vào doanh thu, biên lợi nhuận lại rất mỏng, chỉ đạt 1%, tương ứng hơn 9 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng khai thác trồng rừng ghi nhận biên lợi nhuận gộp lên tới 45%, mức cao nhất trong hơn hai năm qua, mang về gần 60 tỷ đồng. Mảng bán thành phẩm từ gỗ cũng thu về gần 45 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 20%.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đã đóng góp không nhỏ với 177 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 30/6/2024, Vinafor có 21 công ty liên kết, nổi bật là khoản vốn góp 30% tại Công ty Yamaha Việt Nam.
Sau khi khấu trừ các chi phí, Vinafor đạt lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024 với kỳ vọng thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ dần phục hồi, Vinafor đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực với doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty gần 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 317 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 68% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngoài ra, Vinafor còn có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền mặt. Từ năm 2017 đến nay, công ty đã duy trì việc chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ từ 6-20%. Ngay trong đầu tháng 8 vừa qua, Vinafor đã chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 9,21% (mỗi cổ phiếu nhận 921 đồng), tương đương chi ra hơn 322 tỷ đồng.
>> Vùng đất ‘cất giấu’ toàn gỗ quý ‘đắt ngang kim cương’ ở Việt Nam, xa xưa người dân từng chặt làm củi
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/mot-doanh-nghiep-bao-lai-ca-tram-ty-dong-nho-ban-go-chia-co-tuc-bang-tien-deu-nhu-vat-tranh-150660.html